Fed giảm lãi suất cho vay nửa điểm phần trăm
(DNTO) - Sau một thời gian dài chống chọi lạm phát, cuối cùng thì Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cũng đã công bố mức giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ 2020.
Trong một động thái mang tính lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay 0,5 điểm phần trăm, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Với 11 trên 12 thành viên hội đồng Fed bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm, cho thấy sự đồng thuận mạnh mẽ.
Sự thay đổi chính sách quan trọng này phản ánh sự hài lòng của Ngân hàng Trung ương Mỹ đối với thị trường lao động đang hạ nhiệt và nhu cầu cần củng cố nền kinh tế quốc gia này. Đây cũng là dấu chấm cho cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng sau đại dịch của Fed.
Lãi suất liên bang mới hiện nằm trong khoảng từ 4,75% đến 5%.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết, mặc dù lạm phát đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm 9% vào năm 2022 xuống khoảng 2,5% tính đến tháng Tám, nhưng đã có lo ngại về khả năng suy thoái nếu tiếp tục giữ mức lãi suất cao. Dữ liệu gần đây cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu chậm lại, khiến Powell khẳng định "thời điểm đã đến" để Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Dự báo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho thấy các cắt giảm tiếp theo là có khả năng xảy ra, với kỳ vọng sẽ có thêm một lần giảm 0,25 điểm phần trăm trong các cuộc họp sắp tới vào tháng Mười Một và tháng Mười Hai. Tổng thể, các quan chức dự đoán đến cuối 2025 sẽ có tổng cộng ít nhất một điểm phần trăm được cắt giảm. Điều này cho thấy Fed vẫn muốn duy trì cách tiếp cận thận trọng trong việc quản lý cả lạm phát và thị trường việc làm.
Mặc dù hầu hết thành viên Fed ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, nhưng vẫn có ý kiến phản đối từ Thống đốc Michelle Bowman, người đã đề xuất một mức giảm nhỏ hơn là 0,25 điểm phần trăm. Quyết định của Fed diễn ra vào thời điểm quan trọng khi nhu cầu đối phó những thách thức kinh tế tại Mỹ ngày càng trở nên bức thiết.
Phản ứng của thị trường đối với thông báo này ban đầu là tích cực, với các bảng chỉ số chính như Nasdaq Composite và S&P 500 đồng loạt ghi nhận mức tăng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại về việc liệu một đợt cắt giảm mạnh như vậy có thể dẫn đến việc kích thích quá mức nền kinh tế và tái khởi động áp lực lạm phát hay không.
Quyết định của Fed tham gia xu hướng chung giữa các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, vốn đã bắt đầu hạ lãi suất để phản ứng với các áp lực kinh tế tương tự. Nhưng tin này chắc chắn sẽ mang lại tác động sâu rộng hơn, không chỉ giới hạn ở Mỹ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia khác có quan hệ mật thiết với đồng đô la.
Tuy vẫn chưa rõ liệu ảnh hưởng của quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến phân khúc thị trường tư nhân, đặc biệt là thị trường bất động sản, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng Fed đã thành công trong việc lèo lái nền kinh tế Mỹ đến một “hạ cánh mềm”.
Hơn thế nữa, vẫn còn nhiều thử thách cho Fed và các chuyên gia kinh tế phải đối đầu trong giai đoạn trung chuyển. Hai năm trước, Fed đã từng vấp phải sai lầm khi dự đoán tác động của lãi suất cao, bị cản trở bởi nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị “khóa” trong lãi suất thấp.