Facebook đổi tên công ty để vượt ra khỏi sự giám sát vận hành và tiến vào 'siêu vũ trụ'?
(DNTO) - Facebook đang lên kế hoạch thay đổi tên công ty nhằm tập trung vào việc xây dựng metaverse. Việc đổi thương hiệu này có thể đặt mạng xã hội Facebook là một trong nhiều sản phẩm thuộc công ty mẹ khác Instagram, WhatsApp, Oculus..., và hơn thế nữa dịch chuyển thị trường việc làm châu Âu.
Đặt cược vào “sự tuyệt đỉnh của công nghệ xã hội”
Facebook đã có hơn 10.000 nhân viên xây dựng phần cứng tiêu dùng (consumer hardware) như kính AR mà Mark Zuckerberg – CEO Facebook tin rằng cuối cùng sẽ phổ biến như điện thoại thông minh. Vào tháng 7, Mark nói với The Verge rằng, trong vài năm tới, “chúng tôi sẽ chuyển đổi một cách hiệu quả từ những người coi chúng tôi chủ yếu là một công ty truyền thông xã hội sang một công ty siêu vũ trụ”.
Facebook không phải là công ty công nghệ nổi tiếng đầu tiên thay đổi tên công ty khi tham vọng ngày càng mở rộng. Vào năm 2015, Google đã tổ chức lại hoàn toàn dưới một công ty mẹ có tên là Alphabet, một phần để báo hiệu rằng nó không còn chỉ là một công cụ tìm kiếm mà là một tập đoàn rộng lớn với các công ty sản xuất ô tô không người lái và công nghệ y tế. Và Snapchat đã đổi thương hiệu thành Snap Inc. vào năm 2016, cùng năm đó nó bắt đầu tự gọi mình là “công ty máy ảnh” (camera company) và ra mắt cặp kính máy ảnh Spectacles đầu tiên của mình.
Tên công ty mới của Facebook là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ và không được biết đến rộng rãi, ngay cả trong số toàn bộ lãnh đạo cấp cao. Theo dự đoán, một cái tên có thể có liên quan đến Horizon, tên của phiên bản VR vẫn chưa được phát hành của Facebook-meet-Roblox mà công ty đã phát triển trong vài năm qua. Gần đây, tên của ứng dụng đó đã được điều chỉnh thành Horizon Worlds ngay sau khi Facebook giới thiệu một phiên bản dành cho cộng tác tại nơi làm việc được gọi là Horizon Workroom.
Nói với The Verge’s Casey Newton, Zuckerberg cho biết: Siêu vũ trụ (the metaverse) “sẽ là một trọng tâm lớn và tôi nghĩ rằng đây sẽ chỉ là một phần quan trọng của chương tiếp theo về cách thức internet phát triển sau internet di động. Và đó cũng sẽ là chương lớn tiếp theo của chúng tôi, thực sự tăng gấp đôi trong lĩnh vực này”.
Vấn đề phức tạp là, mặc dù Facebook đã quảng cáo rầm rộ ý tưởng về metaverse trong những tuần gần đây, nhưng đó vẫn chưa phải là một khái niệm được nhiều người hiểu.
Metaverse, viết tắt của "siêu vũ trụ" (meta-universe), khái niệm này được đặt ra bởi tác giả Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Snow Crash" năm 1992, để mô tả một thế giới ảo mà mọi người thoát ra khỏi một thế giới thực, lạc hậu. Nó đề cập đến sự hợp nhất của thực tế vật lý, tăng cường và thực tế ảo trong một không gian trực tuyến được chia sẻ. Một thế giới kỹ thuật số nơi thực và ảo kết hợp thành một viễn cảnh khoa học viễn tưởng, cho phép mọi người di chuyển giữa các thiết bị khác nhau và giao tiếp trong một môi trường ảo. Theo thuật ngữ thực tế, nó đề cập đến các sản phẩm và dịch vụ thực tế ảo và tăng cường. Một số cộng đồng trò chơi điện tử đã tạo ra phôi thai của các siêu vũ trụ, chẳng hạn như Roblox (một nền tảng bao gồm vô số trò chơi do trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra) hoặc Fortnite (một trò chơi bắn súng và sinh tồn có 350 triệu người chơi).
Hành trình bắt đầu từ thị trường EU
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, đã đầu tư rất nhiều vào thực tế ảo và thực tế tăng cường, mua lại phần cứng như tai nghe Oculus VR và làm việc trên kính AR và công nghệ thiết bị đeo tay. Nó cũng đã mua một loạt các studio chơi game VR, bao gồm cả BigBox VR. Theo The Information, Facebook có khoảng 10.000 nhân viên làm việc trên thực tế ảo.
Zuckerberg cho biết việc đầu tư sâu là hợp lý để định hình những gì anh đã đặt cược sẽ là nền tảng máy tính lớn tiếp theo. Trong một bài đăng trên Facebook hồi tháng 7, anh nói: "Tôi tin rằng 'metaverse' sẽ là sự kế thừa của Internet di động và việc tạo ra nhóm sản phẩm này là bước tiếp theo trong hành trình của chúng tôi để giúp xây dựng nó". Và tiết lộ với The Verge: "Nếu chúng tôi làm tốt điều này, tôi nghĩ trong vòng 5 năm tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi hiệu quả từ việc mọi người coi chúng tôi chủ yếu là một công ty truyền thông xã hội thành một công ty “siêu vũ trụ".
Bên cạnh những bình luận của Zuckerberg, Facebook đã và đang dần đặt nền móng cho việc tập trung nhiều hơn vào thế hệ công nghệ tiếp theo. Mùa hè vừa qua, Facebook đã thành lập một đội metaverse chuyên dụng và mới đây, người đứng đầu AR và VR, Andrew Bosworth, được thông báo sẽ thăng chức làm giám đốc công nghệ. Vào thứ Hai (18/10), Facebook đã công bố kế hoạch trong một bài đăng blog về việc thuê thêm 10.000 nhân viên ở Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng.
Gã khổng lồ truyền thông xã hội cũng cho biết đầu tư vào EU mang lại nhiều lợi thế, bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn, các trường đại học hạng nhất và nhân tài chất lượng cao. Facebook cho biết trong một bài đăng trên blog: "metaverse có tiềm năng giúp mở khóa khả năng tiếp cận các cơ hội sáng tạo, xã hội và kinh tế mới. Và người châu Âu sẽ định hình nó ngay từ đầu".
Việc đổi thương hiệu cũng có thể giúp tách biệt hơn nữa công việc tương lai mà Zuckerberg đang tập trung, ra khỏi Facebook khi mà nền tảng xã hội này đang có sự giám sát gắt gao về cách thức vận hành như hiện nay. Bà Frances Haugen, một cựu nhân viên đã tố giác và tiết lộ một loạt các tài liệu nội bộ cho The Wall Street Journal và đã làm chứng về chúng trước Quốc hội. Các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ và các nơi khác đang cố gắng phá vỡ công ty và niềm tin của công chúng vào cách thức hoạt động kinh doanh đang giảm sút.
Hôm thứ Ba (29/10), Facebook đã đồng ý trả tới 14,25 triệu USD để giải quyết các khiếu nại do chính phủ liên bang đưa ra dưới thời chính quyền Trump rằng công ty đã phân biệt đối xử với người lao động Mỹ. Bộ Tư pháp đã kiện công ty với lập luận rằng Facebook đã từ chối “tuyển dụng, cân nhắc hoặc thuê” những lao động đủ tiêu chuẩn của Mỹ cho hàng nghìn vị trí, mà giao những công việc đó cho những lao động nước ngoài có thị thực lao động tạm thời.
Theo một bản tin trước đó, thỏa thuận với Bộ Tư pháp bao gồm các khoản thanh toán 4,75 triệu USD cho chính phủ và tới 9,5 triệu USD cho “những nạn nhân đủ điều kiện bị cáo buộc phân biệt đối xử của Facebook”. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ lớn nhất của đất nước thuê thêm công nhân Hoa Kỳ.
Người sáng lập và giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, đã áp dụng chính sách cải cách nhập cư, giúp thành lập một nhóm có tên FWD.us vào năm 2013 đã thúc đẩy những thay đổi đối với hệ thống nhập cư, và đích thân anh đã bước vào cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư.
“Chúng ta là một quốc gia của những người nhập cư, và tất cả chúng ta đều được hưởng lợi khi những người giỏi nhất và sáng giá nhất từ khắp nơi trên thế giới có thể sống, làm việc và cống hiến tại đây”, Zuckerberg nói vào tháng 1/2017.