EVFTA sau 3 năm: ‘Cờ’ đã đến tay nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp ‘phất’
(DNTO) - Tỷ lệ tận dụng Hiệp định EVFTA sau 3 năm thực thi vẫn chưa cao do doanh nghiệp đa phần chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Rào cản này sẽ tiếp tục tăng lên khi EU sắp ban hành nhiều quy định mới.
Doanh nghiệp vẫn ‘ngại’ EVFTA
Sau 3 năm thực thi EVFTA, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt giá trị gần 128 tỷ USD, theo Bộ Công thương. So với các Hiệp định thương mại tự do khác, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc rõ về EVFTA cao hơn đáng kể. Đã có gần 41% doanh nghiệp từng hưởng lợi cụ thể từ EVFTA (tăng 16% so với năm 2020, năm đầu tiên thực thi), theo khảo sát của VCCI.
Nhưng ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá tỷ lệ tận dụng EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cao so với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là hàng hóa chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt, trong khi nhiều đối tác EU không cung cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, trong những năm đầu thực thi EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi GSP và MFN, loại ưu đãi hấp dẫn hơn EVFTA, đó cũng là lý do khiến doanh nghiệp chọn đường dễ cho mình.
Chưa kể, thị trường châu Âu hiện còn thêm những thách thức mới với mặt hàng nông sản. Đó là những quy định mới liên quan đến phát triển bền vững (thuế carbon, cấm nhập khẩu hàng hóa liên quan đến phá rừng…), làm tăng hàng rào kĩ thuật với hàng hóa.
Một điểm yếu khác của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU là thiếu sự đồng đều về chất lượng và số lượng. Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam ASEAN, cho biết đây là điểm cần phải khắc phục ngay nếu muốn làm ăn lâu dài với đối tác.
“Vài đơn hàng đầu tiên xuất sang EU có chất lượng tốt, nhưng khi khối lượng tăng lên, doanh nghiệp thường đánh mất sự đồng đều và bị giảm chất lượng. Khi đã vào được EU thì cần phải giữ chữ tín, thương hiệu. Muốn chuỗi cung ứng bền vững, trơn tru cần đảm bảo sự đồng bộ từ cơ sở sản xuất, tức từ người nông dân, chủ vựa cho tới các đơn vị logistics, xúc tiến thương mại, và cả đối tác nhập khẩu”, ông Minh nói.
Phải làm kỹ càng, minh bạch
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, những loại ưu đãi như GSP hay MFN sẽ sớm chấm dứt. Doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục hưởng ưu đãi thuế để tăng lợi thế cạnh tranh, buộc phải tận dụng EVFTA. Như vậy không cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo hiệp định.
“EU kiểm soát vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp phải làm kỹ càng, minh bạch và đồng đều, bởi một khi phát hiện ra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, EU sẽ theo dõi, thậm chí loại bỏ ngay hàng trên kệ, ngừng nhập khẩu các mặt hàng này, và khả năng quay lại thị trường EU sẽ khó khăn”, ông Lăng nói.
Gợi ý cho doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, ông Neil Như Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam - EU cho biết các hội chợ vẫn là phương thức truyền thống và phổ biến được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì doanh nghiệp trong nước chưa đủ uy tín để đối tác tin tưởng, do chưa tạo được thị trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều kênh quảng bá khiến giá thành sản phẩm đội lên cao cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh.
Vị này khuyến nghị doanh nghiệp nên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tạo thị trường, tăng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Dù quy mô nhỏ nhưng sẽ là lợi thế để tạo sự tin tưởng với đối tác trên bàn đàm phán.
“Các hội chợ ở EU thường diễn ra tháng 9, 10, 11 hàng năm. Đầu tiên, doanh nghiệp nên tham gia trong vai trò khách hàng để tìm hiểu về hội chợ. Sau đó mới lên kế hoạch đặt gian hàng. Khi tham gia hội chợ cần có hàng mẫu dự bị, tránh tình trạng không có hàng hoá giới thiệu cho đối tác”, ông Neil Như Nguyễn khuyến nghị.
Vị này cũng gợi ý doanh nghiệp có thể tiếp cận với cộng đồng kiều bào để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Bởi cộng đồng kiều bào có thể cung cấp dữ liệu cơ bản để doanh nghiệp nghiên cứu về hành vi, văn hóa mua hàng ở nước sở tại. Nếu sản phẩm được chấp nhận, có thể lên kế hoạch tiếp cận thị trường người bản xứ ở EU.