Đưa ông Táo về trời, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
(DNTO) - Theo thông lệ, ngày 20 tháng Chạp âm lịch đã được người Việt gọi là 20 Tết. Nó như một sự khởi động, “bắt trớn”… Nhưng phải đến ngày 23 thì Tết mới thật sự gõ cửa từng nhà, mở ra bằng sự kiện đưa ông Táo về trời.
Ngày nay, hầu như không mấy nhà còn sử dụng “ông Táo” để đun nấu nhưng tục đưa ông Táo về trời thì vẫn còn được gìn giữ như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, là một trong rất nhiều sự kiện quan trọng và có giá trị thiêng liêng trong chuỗi ăn Tết cổ truyền của dân tộc.
Câu chuyện lưu truyền về sự tích "2 ông 1 bà" - thần Đất, thần Nhà, thần Bếp mà người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo là một câu chuyện dân gian rất quen thuộc.
Chuyện kể, ngày xa xưa có một đôi vợ chồng đang sống với nhau mặn nồng tha thiết thì người vợ do nóng giận uất ức mà bỏ đi. Đi mãi đến một ngôi làng nọ, người vợ gặp và và kết duyên vợ chồng với một người đàn ông khác.
Người chồng sau đó nhớ thương vợ lang thang đi tìm, lâm vào cảnh ăn xin. Năm đó vào ngày 23 tháng Chạp, vô tình ghé vào nhà vợ xin ăn. Nhận ra chồng cũ của mình, người vợ ân cần thăm hỏi và dọn thức ăn cho ăn. Chồng mới về bắt gặp tỏ lòng nghi ngờ trách móc. Người vợ xấu hổ nhảy vào đống lửa tự vẫn. Hai anh chồng cũng lao vào lửa mà chết theo hóa thành ba ông đầu rau. Ngọc Hoàng cảm kích phong họ là Táo Quân, giúp Ngọc Hoàng trông coi việc bếp núc, đất đai, chợ búa của nhân gian. Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ lên trời bẩm báo Ngọc Hoàng kết quả những công việc có liên quan đến phạm vi phụ trách của mình.
Từ đó cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà đều cúng đưa tiễn ông Táo về chầu trời mong muốn Táo Quân sẽ tâu với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp của năm qua để từ đó Ngọc Hoàng sẽ ban phước lành cho gia đình mình trong năm tới.
Tục lệ cúng Táo Quân giữa các vùng miền tuy có khác nhau nhưng cơ bản vẫn có những điểm chung. Về thời gian, có thể khác nhau về giờ giấc nhưng nhất định phải là ngày 23 tháng Chạp. Về phương tiện để Táo về trời phổ biến là cá chép. Về lễ vật, theo ghi chép của nhà giáo, nhà báo Phan Kế Bính vào đầu thế kỉ XX, thì… “đến ngày ấy, thì mua hai mũ ông, một mũ bà và mua con cá chép để làm ngựa cho táo quân lên chầu trời".
Theo thời gian, cuộc sống có nhiều thay đổi theo chiều hướng sung túc ấm no, lễ cúng Táo Quân cũng đa dạng hơn, không chỉ mũ mà còn có áo quần, có vàng mã kèm theo mâm cỗ. Về mâm cỗ, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình mà có nhà chỉ đơn giản món “thèo lèo cứt chuột” (kẹo lạc, kẹo vừng đen), có nhà thì cầu kỳ, thịnh soạn với đủ thức món ngon. Với giới thương nhân, tư duy kinh tế lan sang lễ nghi khiến cho mâm cỗ càng rườm rà tốn kém.
Không chỉ người Việt trong nước mà người Việt định cư ở nước ngoài, hầu hết cũng không bỏ quên phong tục cổ truyền này. Họ gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác như một cách giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, một cách để không quên nguồn cội và để cho con cháu biết mình có nguồn gốc là người Việt Nam, tha phương nhưng vẫn hướng về quê cha đất tổ.
Hôm nay là ngày đưa Ông táo về trời. Như một thói quen cố gìn giữ, tôi cũng sắm sửa nhang đèn, một bình bông vạn thọ và dĩa "thèo lèo cứt chuột" tiễn đưa ông. Nhà không có con nít để chầu chực chia “thèo lèo cứt chuột” . Đã buồn.
Gian bếp quạnh hiu không lửa khói càng buồn hơn. Chỉ có mấy sợi khói mỏng tang bay lên từ đốm lửa nhỏ xíu lập lòe trên đầu cây nhang. Nhìn nó, tôi đâm nhớ mùi khói bếp, nhớ ánh lửa bập bùng, nhớ tiếng củi reo tí tách… và nhớ chái bếp ngày xưa.
Giữa thời đại của bếp từ, bếp điện, đến một ngọn lửa bếp cũng chỉ là ký ức, chỉ là nỗi nhớ mông lung. Giữa thời đại của nhà cao tầng, của căn hộ chung cư không được phép khói nhang, không biết đến khi nào thì tục “đưa ông táo về trời” sẽ đi vào quá vãng.
Thôi thì, dẫu sao gìn giữ một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc trong những ngày Tết cổ truyền cũng là một việc nên làm.
Có điều năm nay, mong rằng Táo hãy tâu với Ngọc Hoàng, nhân loại đang lao đao vì Covid-19 hoành hành, mong ngài ban cho toàn thể con người trên trái đất một sức mạnh, niềm tin và nghị lực để cùng nhau vượt qua và chiến thắng dịch bệnh hướng tới một thế giới hòa bình, an lạc, đoàn kết và thương yêu nhau.