Nỗi lo tài chính cuối năm
(DNTO) - Sau đợt Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống người dân thật sự bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Thời điểm hiện tại, khi ngày tết truyền thống gần kề, nỗi lo tài chính đang trở thành một gánh nặng quá sức đối với mọi người.
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, mặc dù chúng ta đã có hơn hai tháng sống chung với dịch trong tình trạng “bình thường mới”. Nhưng việc khôi phục kinh tế để trở về trạng thái “bình thường cũ” vẫn là một vấn đề nan giải. Trong khi đó càng về cuối năm, nhu cầu tài chính và tiêu dùng của mọi người càng tăng cao kéo theo nhiều nỗi lo lắng cả về phía “người bán” lẫn “người mua” .
Về phía doanh nghiệp
Do không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp, nhất là cách doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cho nhiều lao động nghỉ việc, chấp nhận thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, thậm chí phá sản.
Khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho thấy, có trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, tạm đóng cửa, hoặc giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.
Một số doanh nghiệp khác, nhờ khéo léo, họ từng bước "xoay chuyển" được tình thế, đến nay đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thích ứng với “bình thường mới”, doanh thu không biến động nhiều nhưng lợi nhuận cả năm chắc chắn không tránh khỏi bị sụt giảm vì chi phí phải bỏ ra quá lớn trong thời gian dịch bệnh.
Trước mắt, mọi người đang rục rịch chuẩn bị đón Tết truyền thống nhưng tiền bạc không còn “rủng rỉnh” cộng với việc e ngại biến chủng mới của Covid-19 không lường trước được nên mọi người có xu hướng tiết kiệm, giảm chi tiêu, ai cũng đắn đo, tính toán, sức mua hạn chế. Đây cũng là cái khó cho nhà sản suất, phân phối và cả hệ thống bán lẻ.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn cố hết sức xoay xở để thưởng Tết như là cách bù đắp những thiệt thòi, khó khăn và quan trọng là giữ chân người lao động.
Về phía người dân
Dễ nhận thấy nhất trong thời gian dịch bệnh diễn ra là tình trạng mất việc làm, mất thu nhập, giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao khiến nhiều người không có cái ăn phải dựa vào nguồn cứu trợ hoặc phải ăn dần vào quỹ tích lũy dự phòng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì đã có hơn 28,2 triệu người lao động bị ảnh hưởng trong quý III-2021. Thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III-2021 giảm mạnh. Để duy trì được mức sống cơ bản trong gia đình, nhiều người đã phải thay đổi công việc, thay đổi thói quen sinh hoạt theo chiều hướng cắt giảm chi tiêu tối đa.
Trở lại với công việc trong tình hình “bình thường mới”, như một người ốm nặng vừa trở dậy, mọi người gắng gượng hết sức để khôi phục lại trong tâm thế còn rất e dè. Người lao động tự do không đóng bảo hiểm xã hội, không nhận được trợ cấp, mấy tháng vừa qua tiêu lấn vào số tiền đã dành dụm, giờ đang phải đối mặt với tình cảnh thu nhập bấp bênh. Người làm công sở đa số chưa trở về được các khoản thu như cũ.
Tiền thưởng tết và các khoản thu nhập cuối năm bị cắt giảm đáng kể không chỉ là nỗi lo của các ông bố bà mẹ có con nhỏ mà ngay các bạn trẻ còn độc thân cũng căng thẳng và áp lực không kém. Thêm vào nỗi lo tiền nhà, tiền trang trải sinh hoạt phí họ còn có trách nhiệm gửi tiền về quê, đóng góp tài chính cho gia đình mua sắm Tết, tiền lì xì cho bố mẹ, tiền quà cáp biếu xén cho các mối quan hệ giao tiếp xã hội…
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng đều có chung nhau một nỗi lo: Nỗi lo tài chính khi cái tết gần kề. Đã trải qua nhiều khó khăn, cả đau thương mất mát, hy vọng mỗi người chúng ta sẽ tìm được cho mình một giải pháp phù hợp nhất để đón một cái tết an toàn, vui vẻ, ấm áp.
Trước tình hình người dân đang có nhu cầu cần gấp tiền để chi xài dịp tết, cũng không quên nhắc nhở bà con cảnh giác trước hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cho vay lãi nặng nở rộ vào dịp cuối năm. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, khi có nhu cầu vay tiền người dân cần hết thức thận trọng, cân nhắc kỹ, tránh bị sập bẫy “tín dụng đen” với các chiêu trò không cần tài sản thế chấp, chỉ cần vài thao tác đơn giản: tải app, điền thông tin là có thể vay được tiền.