Thưởng Tết năm nay, cần lắm sự thấu hiểu!
(DNTO) - Thưởng tết Nguyên đán là một sự kiện được quan tâm hàng đầu trong những ngày cuối năm. Nó là nỗi chờ mong, háo hức, hồi hộp của người lao động và là sự lo toan, cân nhắc thậm chí rất “đau đầu” đối với người sử dụng lao động.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là chuyện thưởng Tết trở thành chủ đề nóng hổi không chỉ riêng với những người trực tiếp liên quan đến nó mà hầu như “thưởng Tết” trở thành câu cửa miệng của mọi người. Điều này không có gì là khó hiểu bởi suốt một năm lao động vất vả, cống hiến hết mình, người lao động làm công ăn lương luôn đặt hết niềm tin và hy vọng vào món tiền thưởng cuối năm để giải quyết nỗi lo cơm áo gạo tiền trong ba ngày Tết.
Cũng bởi vì gọi là “thưởng” nên phải dựa vào tinh thần, thái độ làm việc và hiệu suất lao động của từng cá nhân, không thể cào bằng. Sự chênh lệch trong từng bộ phận, từng cá nhân ở cùng một doanh nghiệp là bình thường. Chuyện khác biệt giữa các doanh nghiệp khác nhau càng không có gì ngạc nhiên, bởi nó còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh trong năm lời lãi thế nào, tùy thuộc vào “túi tiền”, đôi khi còn tùy vào “tấm lòng” của người đứng đầu doanh nghiệp.
Bởi thế, trong các năm vừa qua phổ biến tình trạng tiền thưởng Tết giữa các doanh nghiệp có sự chênh lệch khá lớn. Có doanh nghiệp tiền thưởng lên đến hàng tỷ đồng, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng vài trăm nghìn. Thậm chí có doanh nghiệp “nợ” hoặc “lơ” luôn tiền thưởng Tết.
Vì tính chất phức tạp như thế nên đồng thời với nhiều cung bậc cảm xúc, thưởng Tết còn khiến cho nhiều người khó xử bên cạnh không ít những câu chuyện bi hài.
Anh bạn tôi, sau nhiều năm làm việc ở một công ty sản xuất bao bì, thấy đã đến lúc cần chuyển sang một công việc khác phù hợp hơn. Anh nghĩ, thời điểm cuối năm là thích hợp nhất và cũng tuân thủ theo quy ước, nên anh báo trước để chủ doanh nghiệp kịp tìm người thay thế. Anh còn nói với sếp, nếu đầu năm chưa kịp tìm người thay thế thì anh ấy sẽ ở lại giúp thêm một thời gian ngắn không tính lương. Không ngờ cách cư xử vẹn tình vẹn nghĩa và đúng pháp luật của bạn tôi đã bị phản ứng ngược: Tiền thưởng Tết năm đó của anh thấp chưa từng thấy. Biết có hỏi cũng không giải quyết được gì, nên anh đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Cũng liên quan đến thưởng Tết, có công ty giải quyết thưởng Tết cho nhân viên rất hậu hĩnh nhưng trước khi nghỉ Tết, họ chỉ nhận được 1/2. Số còn lại hết quý một năm sau mới được lĩnh.
Về tình trạng này, anh Dũng một chủ doanh nghiệp chia sẻ, nhiều năm anh phải đối phó với tình trạng nhiều nhân viên nghỉ việc sau Tết nhưng thay vì báo trước từ 30-45 ngày mới đúng luật thì họ chờ nhận thưởng Tết xong mới báo. Kết quả là công ty cực kỳ bị động. Anh thú nhận, anh cũng đang áp dụng cách giữ lại 1/3 số tiền thưởng Tết đợi tổng kết quý 1 năm sau mới phát cho những người còn ở lại.
Không phải ở đâu người lao động cũng thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận cách làm như của anh Dũng. Đã từng xảy ra tình trạng hàng trăm công nhân của một Công ty TNHH đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bức xúc ngưng việc do công ty chỉ chi trả 50% tiền thưởng Tết và hẹn tới tháng 6 năm sau mới chi trả tiếp 50% còn lại.
Chuyện đi làm công ăn lương, mỗi năm mong tiền thưởng Tết để chi trả nợ nần, mua sắm Tết là lẽ đương nhiên. Nhiều khi sự chênh lệch, so đo khiến cho người ta chạnh lòng rồi phản ứng bằng sự ấm ức, dùng những lời lẽ thái độ không hay.
Tuy nhiên, sự thông cảm rất cần trong cuộc sống. Nó giúp cho con người đối đãi với nhau thân thiện, khoan dung và cởi mở hơn. Nó giúp cho sự hợp tác bền chặt, mang đến hiệu quả và tâm lý dễ chịu.
Người chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ tâm tư nguyện vọng và nhìn nhận công sức, của người lao động, hỗ trợ họ có cuộc sống ổn định cũng là khiến họ toàn tâm toàn ý cống hiến hết sức mình cho doanh nghiệp.
Trái lại, người lao động cũng cần nhìn nhận những áp lực đè nặng lên doanh nghiệp trong những ngày cuối năm - nhất là với các doanh nghiệp làm ăn chưa hoặc không có hiệu quả. Nhiều doanh nhân lo lắng bỏ ăn, bỏ ngủ, chạy vạy cày cục kiếm tiền lo thưởng Tết cho anh em là có thật. Với họ, những ngày cuối năm thật quá nặng nề.
Dù bạn là ai, là người công nhân bình thường hay một doanh nhân thành đạt, với mỗi người Việt Nam, ngày Tết cổ truyền đều là thời khắc rất thiêng liêng. Nó biểu trưng cho sự hạnh phúc, vui vẻ, thảnh thơi; Nó mang lại niềm vui sum vầy, ấm áp; Là thời khắc mà mọi người thở phào nhẹ nhõm gạt hết buồn vui năm cũ, đón chào một năm mới với nhiều hy vọng. Đặc biệt trong bối cảnh có khá nhiều biến động xảy ra trong nền kinh tế, do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Khá nhiều công ty thua lỗ, bao nhiêu người mất việc làm, có lẽ “thưởng Tết” năm nay hơn lúc nào hết có giá trị rất lớn với mỗi người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần.