Dòng tiền lớn đã nhập cuộc, giải ngân hay chốt lời?

(DNTO) - Dòng tiền lớn đã nhập cuộc vào thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ nhạy sóng, mang tính dẫn dắt, mở đầu cho một xu hướng mới.
Giá trị thanh khoản trên toàn thị trường chứng khoán đã bật tăng mạnh mẽ, bốn phiên gần đây luôn đạt trên 15 ngàn tỷ tại sàn HoSE. Riêng phiên hôm nay, ngày 1/12, giá trị giao dịch đã đạt hơn 24 ngàn tỷ, trong đó riêng HoSE là gần 22 ngàn tỷ đồng, đánh dấu một sự tăng trưởng vượt bậc của thanh khoản.
Khối ngoại hỗ trợ tích cực thị trường khi liên tục mua ròng nhiều phiên qua khi chỉ trong bốn phiên liên tiếp vừa qua đã đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng giá trị mua ròng, chiếm tới gần 50% giá trị giao dịch của khối này trong cả tháng 11, xét cả cả tốc độ và quy mô tham gia đều lớn.

Ảnh minh họa
Đáng chú ý khác với giai đoạn trước đây, nhà đầu tư nước ngoài không tập trung vào một vài mã cổ phiếu cụ thể nào đó mà dòng vốn của họ trải dài với nhiều mã VN30, thậm chí có mã chiếm tới 60% giá trị giao dịch trong phiên. Rổ hàng phong phú đa dạng của khối ngoại đã cho thấy họ đã đặt nhiều niềm tin hơn vào thị trường chứng khoán trong nước.
"Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng dòng tiền vào thị trường rất mạnh. Dòng tiền của nhà đầu tư lớn đã nhập cuộc", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Chứng khoán Nhất Việt chia sẻ với nhà đầu tư trong talkshow cùng chủ đề diễn ra hôm nay, 1/12.
Theo nhận định của ông, đây sẽ là dòng tiền mang tính dài hơi, không bị rủ ngắn hạn. "Vùng đáy với họ vẫn là câu chuyện 3-6 tháng chứ không chỉ vài ngày vài tuần. Sau khi vốn ngoại mua vào thị trường có thể sẽ bị đẩy lên một nhịp, thậm chí sẽ có nhịp chỉnh mạnh 10% là điều rất bình thường", ông Hoàng cho biết.
Dòng tiền lớn thường khá nhạy sóng và mang tính dẫn dắt. Nhà đầu tư cần lưu ý tầm nhìn, định hướng giải ngân của họ, bởi đâu đó có thể mở đầu cho một xu hướng mới.
Theo phân tích của ông Nguyễn Minh Hoàng, dấu hiệu để nhận biết dòng tiền nhập cuộc là khi cây nến đóng cửa ở mức cao nhất, hình dáng câu nến to và dài. Trong trường hợp chiều ngang cây nến thu hẹp lại, thân nến dài và nhỏ thì dòng tiền vào nhưng lực bán nhiều hơn và tác động lên sức mạnh của dòng tiền.
Khi thị trường liên tục đi lên sẽ đến thời điểm tiếp cận với vùng kháng cự, xuất hiện các dấu hiệu đảo chiều nhưng ở điểm nào là khó đoán định.
"Chiến lược đi tiền như thế nào là quan trọng và phải bám vào từng danh mục cụ thể, tránh trạng thái FOMO xảy ra", ông Hoàng cho biết.
"Nhiều người bị kẹt thì rung lắc sẽ bán ra. Tuy nhiên hiện tại không phải là thời điểm để bán. Nhiều nhà đầu tư có tiền mà chưa kịp giải ngân, nhưng mua lại sợ điều chỉnh, không mua lại tiếc nuối, trường hợp này, bạn có thể mua với tỷ trọng nhỏ, 5-7%, để hướng tới việc giải tỏa tâm lý, không quan tâm đến lãi lỗ ngắn hạn, miễn là có vị thế trên thị trường. Còn nếu tài khoản đã có vị thế thì nhà đầu tư cần tránh tâm lý FOMO mua đuổi. Với cái tầm nhìn dài, thị trường nếu đã thực sự tạo đáy thì còn tiếp tục đi lên chứ không phải chỉ nhịp hồi ngắn", ông Hoàng khuyến nghị.
Cũng theo ông, thị trường tích cực dần lên nhưng sẽ chưa thay đổi quá nhiều. Các quý tới tình hình thế giới sẽ còn khó khăn như xuất nhập khẩu ảnh hưởng khi tổng cầu giảm mạnh. Do đó nhà đầu tư cần bình tĩnh đánh giá, tham gia có chiến lược, tập trung quan sát và chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn mới.