Dòng tiền doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài tăng đột biến gấp 8 lần
(DNTO) - Dòng tiền của doanh nghiệp Việt Nam chảy ra nước ngoài tăng đột biến trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giữa bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp. Điều đáng nói là, xu hướng chọn lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt đã có sự thay đổi.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), trong bốn tháng đầu năm 2021 này, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 546 triệu USD, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số này có 18 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 142,8 triệu đô la, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này phải kể đến khoản đầu tư của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thành lập liên doanh tại Philippines mà Vinamilk sẽ góp 50% vốn trong tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD. Hoạt động chính của công ty liên doanh này là nhập sữa, tiếp thị, phân phối sữa và các sản phẩm từ sữa tại thị trường Philippines. Như vậy, doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư ra thị trường thế giới sau nhiều thị trường lớn khác trên thế giới.
Ngoài ra, có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổn vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ. Như vậy, ngoài lượng vốn đầu tư các dự án mới tăng cao thì các doanh nghiệp đang có dự án đầu tư ở nước ngoài tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư.
Có một điểm đáng chú ý là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang có sự thay đổi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...
Điều này cho thấy xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại... thay vì trước đây tập trung nhiều về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng,...
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Mỹ với hai dự án đầu tư mới và hai dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,3 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,1 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Pháp, Canada, Đức, Hà Lan với vốn đầu tư đều đạt 32 triệu USD.
Lũy kế tính đến ngày 20-4-2021, Việt Nam đã có 1.417 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 21,8 tỉ USD. Tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36%), nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,4%). Các nước và lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,1%); Campuchia (13%); Nga (12,7%)...