Doanh nghiệp vùng dịch gặp khó khi bố trí chỗ ở cho người lao động
(DNTO) - Đồng Nai đề nghị các DN phải bố trí số lượng công nhân tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh bố trí quá đông công nhân, người lao động tại một điểm.
Tại Đồng Nai có một lượng rất lớn người lao động ở Bình Dương và TP.HCM đến làm việc. Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, Đồng Nai đã đề nghị các công ty, doanh nghiệp (DN) bố trí chỗ ở cho người lao động để họ không phải quay về địa phương đang bùng phát dịch và đang thực hiện giãn cách xã hội. Việc này khiến không ít DN ở Đồng Nai gặp lúng túng.
Thỏa thuận với từng công nhân
Công ty CP Taekwang Vina (nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2) là một DN thực hiện từ sớm việc khuyến cáo công nhân, người lao động hạn chế đi lại với các địa phương khác. Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn của Công ty CP Taekwang Vina, số lượng công nhân ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương vào khoảng 400 người. Tổ chức công đoàn phải đi vận động, thuyết phục và thỏa thuận với từng người để họ chấp hành chủ trương của tỉnh Đồng Nai.
Ông Phúc cho biết, những trường hợp công nhân ở lại tỉnh Đồng Nai được DN thuê nhà nghỉ, khách sạn và lo việc ăn uống, bố trí xe đưa đón người lao động tới nơi làm việc. Tất cả chi phí đều do DN chi trả. Những trường hợp không thể ở lại Đồng Nai thì được tạo điều kiện làm việc online hoặc thỏa thuận với DN cho tạm nghỉ.
Mặc dù DN hỗ trợ tối đa để người lao động có cuộc sống tốt nhất, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn bởi mỗi công nhân đều có hoàn cảnh gia đình riêng, người thì có con nhỏ, người thì cha mẹ già ốm đau, hoặc ở chung với người thân từ xa đến… nên tâm lý chung là đều không muốn ở lại.
“Đa số công nhân vẫn muốn về nhà nên DN phải vận động họ thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế. Công đoàn công ty phải gần gũi để động viên và thuyết phục công nhân. Mong muốn của DN làm sao để có giải pháp chống dịch, có vaccine cho công nhân nhanh chóng được về nhà”, ông Phúc bày tỏ.
Cũng không phải DN nào ở Đồng Nai cũng dễ dàng bố trí được chỗ ở cho người lao động. Đơn cử như Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) có hơn 36.000 người lao động, trong đó có gần 1.200 người từ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) sang Đồng Nai làm việc. Công ty này không thể bố trí cho người lao động ở tại nơi làm việc, trong khi ở huyện Vĩnh Cửu thì nhà trọ gần như hết chỗ.
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết, trong tình huống bất khả kháng công ty không thu xếp được chỗ ở cho người lao động, tạm thời vẫn cho họ đi lại với điều kiện phải cam kết thực hiện nghiệm việc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, công ty tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động.
“Công ty đang liên hệ với chính quyền địa phương để hỗ trợ chỗ lưu trú tập trung cho công nhân như trường học, nhà văn hóa... để người lao động ở đây và đến DN làm việc. Còn công nhân nào tự tìm được chỗ ở công ty sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ”, ông Tú cho biết.
Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới có 3 DN đề xuất cơ quan chức năng cho phép tự bố trí người lao động làm việc, ăn, ở, tạm lưu trú tại DN nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch bệnh. Đó là Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành), Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) và Công ty CP GreenFeed chi nhánh Đồng Nai (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom).
Để đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh, Đồng Nai đề nghị các DN phải bố trí số lượng công nhân tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh bố trí quá đông công nhân, người lao động tại một điểm. DN phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người lao động và khi có kết quả âm tính thì mới cho tạm lưu trú tại DN. Ngoài ra, phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, các điều kiện tối thiểu phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.
Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, tổ chức công đoàn các cấp đang vào cuộc để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đồng thời hướng dẫn DN nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
“Công đoàn tỉnh cũng khuyến khích các DN trao đổi với chính quyền địa phương, trong trường hợp cho công nhân tạm trú ở lại nhưng nhà trọ không đủ, công nhân đông không đủ chổ để UBND huyện có phương án hỗ trợ. Liên đoàn lao động tỉnh đang phối hợp với một số ngành chức năng, Ban quản lý khu công nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh hương dẫn cho các DN việc tổ chức cho người lao động tạm trú nơi làm việc”, ông Lập nói.
Là một địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai có vai trò quan trọng trong mắt xích sản xuất, vận chuyển hàng hóa với các tỉnh lân cận. Do đó, những quyết định hành chính đột ngột, chưa dự trù hết tác động sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cả vùng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận để vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân và DN.