Doanh nghiệp Việt: Khi nào “cá hoá rồng”?
(DNTO) - Tận dụng cơ hội mới để “Cá hoá rồng” là mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2020, diễn ra ngày 19/11 đã hé lộ một phần hướng đi cho doanh nghiệp khi năm 2021 còn rất nhiều câu hỏi ngổn ngang.
Doanh nghiệp không chủ quan, không huyễn hoặc...
Dòng chảy thương mại thế giới đang bị gián đoạn và đứt gãy bởi ảnh hưởng của Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhiều doanh nghiệp đã gục ngã hoặc không còn có khả năng trụ được sau 2 đợt giãn cách xã hội.
Các doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới cũng đứng trước nhiều thách thức tương tự khiến cho câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp càng nhiều trở lực hơn.
2 nỗi ám ảnh lớn này thể hiện rõ nét khi nhiều doanh nghiệp liên tục đặt câu hỏi với các diễn giả trong phiên thảo luận đầu “Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới – Cá có hoá rồng”. Liệu có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp Việt tiếp tục sống sót sau đại dịch? Dòng chảy tiêu dùng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến nhà sản xuất, kinh doanh ra sao khi hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều bị tác động nặng nề với tâm lý lo lắng, bất ổn? Dòng chảy đầu tư sẽ về đâu? Liệu có phải doanh nghiệp Việt thực sự hưởng lợi hay chỉ là doanh nghiệp FDI? Những giá trị nào là những giá trị thực sự của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chúng ta có huyễn hoặc doanh nghiệp không khi bão suy thoái kinh tế được dự báo diễn ra rất sát sườn?...
Trước các âu lo của doanh nghiệp, ông Don Lâm - Đồng sáng lập - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina Capital, cho rằng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh và tác động nhiều đến Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp cần ưu tiên đến 1/ Tính toán dòng tiền của mình trong dài hạn lẫn ngắn hạn để không phải “chết yểu”. 2/ Phải nhìn vào thực tế là doanh nghiệp nước ngòai có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Mexico, Peru… chứ không riêng gì Việt Nam.
Ông Lâm cho rằng cơ hội cho doanh nghiệp Việt là có nhưng không phải là dễ dàng.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nói rằng từ tất cả các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước, có thể thấy Việt Nam có nhiều lợi thế, cả cơ hội lẫn vận hội để “cá hóa rồng”. Theo ông, doanh nghiệp Việt trong thời gian này phải biết khôn khéo chọn và chơi với đúng đối tác.
“Chọn đối tác đúng, doanh nghiệp có cơ hội bức phá. Chơi với người giỏi, doanh nghiệp sẽ có cơ hội học hỏi được nhiều điều hay”, ông Thành nhắn nhủ.
Dù vậy, các doanh nghiệp, chuyên gia cũng cho rằng cho dù bối cảnh thế giới, trong nước có thuận lợi, khó khăn thế nào đi nữa, các doanh nghiệp Việt cũng phải quan tâm sâu sát với diễn biến thế giới, với thị trường và không được chủ quan. Đặc biệt có 2 cái “bẫy” cần tránh đó là bẫy thu nhập trung bình và “bẫy” đố kị, tự hài lòng với chính mình. Những cái “bẫy” này sẽ khiến doanh nghiệp khó bức phá, phát triển lớn mạnh.
Startup Việt: Cần thông minh, có tầm nhìn, quyết liệt
Dường như do tính chất startup Việt có nhiều dịp cọ xát với thị trường trong nước và quốc tế ở khía cạnh tiếp cận nhiều với công nghệ, các startup Việt đã có cái nhìn sát sườn và gần gũi hơn trước viễn cảnh tương lai.
CEO của các startup công nghệ Việt hầu như không đặt nặng chuyện “cá” hay “rồng” mà chỉ nói câu chuyện thực tế và cách làm để có thể vươn lên một tầm cao mới.
Chị Lê Diệp Kiều Trang – Chủ tịch AREVO Việt Nam cho rằng dù Việt Nam, thế giới có thay đổi thế nào thì “tính thích nghi” phải là một đặc tính quan trọng cần phải có của các startup. Ngay cả khi bình yên, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho “khủng hoảng”, chuẩn bị cái mới hơn và không bao giờ được dừng lại.
Anh Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Công ty cổ phần Tiki thì cho rằng khả năng học hỏi và liên tục phát triển là yếu tố sống còn của các startup. Luôn luôn các CEO phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao, phát triển liên tục và quen thuộc với việc chiến đấu với các đối thủ mới hơn, mạnh hơn. Ở đó, CEO, Founder phải là người dám thách thức, dám chinh phục.
Mượn hình ảnh “cá” và “rồng của ban tổ chức diễn đàn CEO 2020, chị Kiều Trang cho rằng bản thân “cá hóa rồng” là phải có sự thay đổi cả lượng và chất. Doanh nghiệp startup muốn trở thành kỳ lân (unicorn) thì phải chứng tỏ được sự đột phá, có bước đi chiến lược nghiêm túc và căn cơ ngay từ khi công ty còn rất nhỏ.
Anh Thái Sơn thì đúc kết rằng:“Con cá muốn thành rồng thì cá phải thông minh, có tầm nhìn, dám ước mơ làm rồng và phải quyết liệt chinh phục mục tiêu đó”.