Doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) sang Việt Nam tìm bạn hàng: 7 thỏa thuận hợp tác đã được ký
(DNTO) - 200 doanh nghiệp Sơn Đông (Trung Quốc) và Việt Nam đã có cơ hội kết nối, hợp tác làm ăn trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến giao thương giữa hai bên.
Ngày 1/6, Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) diễn ra với sự góp mặt của 200 doanh nghiệp cùng đại diện cơ quan ban ngành hai bên. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên hợp tác, nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công Thương), cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 175 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch thương mại với tỉnh Sơn Đông đạt gần 14 tỷ USD tăng 35,1% so với cùng kì. Con số này chiếm 14,14% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN. 3 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam đạt 2,6 tỷ USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ.
Ông Chiến cho biết, Sơn Đông là một thị trường giàu tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Đây là tỉnh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng. GDP Sơn Đông xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 tại Trung Quốc. Tỉnh cũng là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.
Vì vậy, đại diện Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị hai bên khuyến khích và tích cực tổ chức các sự kiện giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối và hợp tác. Đề xuất phía Sơn Đông tạo thuận lợi cho mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào đã được Trung Quốc mở cửa.
Ông Lý Chấn Dân, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cho biết thời gian qua đã có nhiều đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tìm hiểu thị trường, đầu tư nhà máy sản xuất. Hai bên có nhiều lợi thế để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã có 7 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông hoàn thành. Đồng thời, 200 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc, xây dựng – vật liệu xây dựng, lốp cao su– phụ tùng ô tô và các ngành công nghiệp khác, có cơ hội kết nối trực tiếp để tìm kiếm bạn hàng.