Doanh nghiệp lĩnh vực nào giải thể nhiều nhất?
(DNTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, doanh nghiệp trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giải thể nhiều nhất trong 10 tháng năm 2020.
Cụ thể, sau 10 tháng, cả nước có gần 111.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,6 triệu tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 850.300 lao động, giảm 2,9% về số doanh nghiệp, tăng 11,1% về vốn đăng ký và giảm 17% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt 14,3 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả gần 2,3 triệu tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32.600 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm nay là 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với 10 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 148.900 doanh nghiệp, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, trong 10 tháng có gần 85.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 41.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7%; gần 30.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,4%; 13.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%.
Báo cáo cũng cho thấy, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (gần 5.100 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.525 doanh nghiệp); xây dựng (1.137 doanh nghiệp); khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (867 doanh nghiệp); kinh doanh bất động sản (786 doanh nghiệp); dịch vụ lưu trú và ăn uống (746 doanh nghiệp); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác (733 doanh nghiệp); vận tải, kho bãi (544 doanh nghiệp); giáo dục, đào tạo (506 doanh nghiệp); thông tin truyền thông (479 doanh nghiệp).Trung bình mỗi tháng có 8.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.