Để sống cùng Covid-19, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực y tế
(DNTO) - Khi quay lại cuộc sống bình thường mới, các doanh nghiệp lập tức tái khởi động, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất với mong muốn vực dậy công ty, bù đắp thất thoát. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phải đối mặt thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là nỗi lo dịch tái bùng phát nếu năng lực y tế không đủ mạnh.
"Các văn bản liên quan thông tin y tế đang rất bất cập"
Chia sẻ tại sự kiện về Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp, tổ chức chiều 31/10, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, nhiều doanh nghiệp đang bối rối trong việc xây dựng bộ phận y tế, từ diện tích phòng ốc, nhân sự đến tủ thuốc.
Theo ông, thông thường chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có phòng y tế. Nhưng bối cảnh sống chung với Covid-19 khiến doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau cùng đặt ra câu hỏi, số lượng lao động như thế nào thì cần có bộ phận này. Quy mô tương đương của bộ phận; trước "một rừng" toa thuốc trị Covid-19 Đông, Tây y, doanh nghiệp muốn lập tủ thuốc cơ bản thì chọn như thế nào? ông Việt Anh đặt câu hỏi và cho rằng các văn bản liên quan thông tin y tế đang rất bất cập.
"Không biết làm việc với ai, như thế nào, hướng dẫn y tế nào là cập nhật mới nhất. Hiện có quá nhiều văn bản y tế liên quan đến chống dịch của bộ, thành phố, quản lý khu công nghiệp. Một rừng thông tin nhưng chúng tôi chưa có cái để in ra mà treo lên tại doanh nghiệp", ông kết luận.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng điều các doanh nghiệp gỗ quan tâm, mong muốn nhất là chính quyền trung ương, địa phương nhanh chóng tiêm phủ vaccine, hỗ trợ về y tế, tạo không gian sống chung với dịch một cách an toàn. Họ cũng mong được tạo điều kiện đi lại, dịch chuyển con người, hàng hóa thuận tiện... nhằm khôi phục sản xuất. Tùy theo năng lực, các doanh nghiệp sẽ có chính sách về an sinh để thu hút người lao động.
"Cần có cách nhìn nhận cởi mở hơn, phù hợp trong việc duy trì mức độ chống dịch ở các địa phương, không phản đối cứng nhắc việc áp dụng "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến". Nên để doanh nghiệp tự áp dụng mô hình phù hợp với tình hình đặc thù của công ty họ và địa phương", ông Lập nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam không cổ súy cho "3 tại chỗ" vì tốn nhiều chi phí, không hiệu quả. Tuy nhiên, bà cho rằng trong giai đoạn khó khăn vừa qua, không ít doanh nghiệp rút ra một số kinh nghiệm quý gồm: Xử lý F0; tạo niềm tin cho nhãn hàng và cả người lao động là công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động; cải thiện quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn khi thiếu nhân sự...
Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành F&B, bán lẻ, ông Lê Đình Hội, Tổng giám đốc Công ty QSR Việt Nam đặt câu hỏi về việc chuẩn bị nhân sự, vật tư y tế khi đặc tính của nhóm ngành này là người lao động rải rác ở các điểm bán...
Chuyên gia nêu 5 giải pháp phát triển năng lực y tế cho doanh nghiệp
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia), đã chia sẻ 5 định hướng cũng như giải pháp thiết lập và phát triển năng lực y tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19.
Cụ thể, theo bà Thu Anh, năng lực đầu tiên doanh nghiệp cần có là việc hiểu rõ nguy cơ lây lan và bùng phát dịch tại địa phương - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh ở nội bộ doanh nghiệp. Để hiểu được điều này, các doanh nghiệp phải theo dõi thường xuyên các số liệu về tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng như hiểu tính chất công việc liên quan đến nguy cơ lây nhiễm của người lao động.
"Phải hiểu được người lao động của doanh nghiệp đang thuê nhà, sinh sống, sinh hoạt ở đâu? Họ có nguy cơ tiếp xúc với bên thứ ba ở ngoài doanh nghiệp của người lao động hay không? Doanh nghiệp cũng cần hiểu các thói quen và hành vi của người lao động", bà Thu Anh nói và nhận định khi doanh nghiệp có kiến thức, năng lực đánh giá định kỳ về nguy cơ sẽ có phản ứng kịp thời, qua đó hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là năng lực dự phòng lây lan virus trong doanh nghiệp. Tức là phải biết cách chia nhân công để giảm nguy cơ tiếp xúc, giảm tối đa nguy cơ lây lan từ nhóm này sang nhóm khác. Đồng thời áp dụng các biện pháp để giảm nguy cơ lây lan khác như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách...
Năng lực thứ 3 rất quan trọng là phải phát hiện sớm F0 và khi phát hiện F0 cần cách ly nhanh chóng để hạn chế tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ 4 là năng lực giám sát mà người sử dụng lao động cần biết để xem các hoạt động về dự phòng, phát hiện sớm và hiểu về nguy cơ lây lan đã được thực hiện đúng theo quy định hay chưa.
Năng lực thứ 5 là hiểu rõ quy định pháp luật việc doanh nghiệp cần phải làm gì để phòng, chống dịch bệnh như Quyết định 2194 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia hay hướng dẫn 5522 của Bộ Y tế trực tiếp liên quan đến khối doanh nghiệp...
Đặc biệt, để sống chung với Covid-19, mỗi doanh nghiệp cần thành lập một ban phòng, chống Covid-19 có bộ phận y tế với khả năng dự phòng, phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời. Với các địa phương có đủ vaccine, năng lực này có thể sẽ đơn giản hơn.
Ví dụ, TP.HCM hiện là nơi có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất cả nước khi gần 100% người trưởng thành được tiêm 1 mũi, gần 80% người dân được tiêm 2 mũi. "Có thể tự tin là nếu có ca nhiễm Covid-19 thì khả năng bệnh nhân trở nặng là rất thấp. Chưa kể đối tượng công nhân lại nằm trong nhóm trẻ tuổi", bà Thu Anh nói và cho rằng việc thành lập một đơn vị riêng để điều trị F0 tại doanh nghiệp là không cần thiết, chỉ cần bộ phận an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở là đủ.