Để ngày đầu tiên đi học của con trẻ trở thành ngày đáng nhớ

(DNTO) - Sáng 5/9, các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước đã chính thức khai giảng năm học mới 2023-2024. Các phương tiện truyền thông được dịp tràn ngập hình ảnh ngày khai giảng. Trong đó, có một số hình ảnh ghi lại cảnh các bé mếu máo, khóc nhè trong ngày đầu tiên đến lớp.
Hình ảnh các bé mếu máo, khóc nhè trong ngày đầu tiên đến lớp hẳn làm chúng ta nhớ đến lời bài hát "Ngày đầu tiên đi học" của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: “Ngày đầu tiên đi học/Mẹ dắt em đến trường/Em vừa đi vừa khóc/Mẹ dỗ dành yêu thương/Ngày đầu tiên đi học/Em mắt ướt nhạt nhòa/Cô vỗ về an ủi/Chao ôi sao thiết tha”.
Bài hát được rất nhiều thế hệ nhi đồng ưa thích vì nó phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh thực tế của các bé. Cho thấy, việc các bé khóc nhè, bám lấy ba mẹ, không chịu đi học trong ngày đầu đến lớp là một hình ảnh rất dễ thương, nó xảy ra như lẽ đương nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.

Nhiều bé mếu máo trong ngày đầu đến trường Ảnh: Internet
Nguyên nhân cốt lõi là do trẻ bị sốc môi trường. Từ việc quen ở với ở với bố mẹ, ông bà anh chị em trong ngôi nhà của mình. Đi học bé phải tách ra khỏi không gian quen thuộc, đến một nơi hoàn toàn khác biệt, phải tiếp xúc với người lạ… Không thể thích nghi với môi trường mới ngay trong ngày đầu tiên một cách dễ dàng khiến các em cảm thấy lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Với các bạn nhà trẻ và mẫu giáo, chỉ cần ba tháng nghỉ hè thôi là ngày đầu năm học mới đã trở thành “Ngày đầu tiên đi học” rồi.
Kế đến là phải chia tay bố mẹ. Đó là giây phút với trẻ rất kinh khủng. Không có bố mẹ bên cạnh với mọi đứa trẻ đều là một cảm giác chơi vơi, hụt hẫng. Ở nhà mỗi khi trẻ khóc, bố mẹ thường làm theo ý trẻ, hình thành tâm lý muốn gì được nấy. Cho nên trong trường hợp này trẻ cũng dùng thứ vũ khí lợi hại ấy để thăm dò hòng làm “mềm lòng” bố mẹ.

Sốc môi trường trong ngày đầu tiên đi học khiến các em cảm thấy lo lắng và lo sợ. Ảnh: Internet
Một số trẻ chuẩn bị vào lớp một căng thẳng vì những lời dặn dò của phụ huynh: Vào lớp phải ngồi yên, lắng nghe cô giảng bài, làm theo yêu cầu của cô. Thậm chí còn “hù dọa” nếu không ngoan sẽ bị cô giáo phạt…
Thực tế cho thấy, chỉ cần biết chắc bố mẹ đã quay về không còn ở đó nữa thì trẻ sẽ thấy rằng việc khóc không có tác dụng gì, trẻ sẽ ngoan ngoãn vào lớp, ngừng khóc và chơi với bạn.
Để trẻ không ăn vạ, khóc nhè và thích nghi nhanh với việc đi học là cả một quá trình, không phải đợi đến ngày bé đi học mới tìm cách. Không nói quá, có thể tích lũy trong một thời gian dài kể từ khi bé mới sinh ra. Đó là tránh tạo cho trẻ thói quen bám mẹ một cách thái quá. “Trẻ càng được bao bọc, càng không thích đi học”, theo nhận định của Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.
Trẻ lớn đến đâu, nên tập cho trẻ những kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản đến đó. Như tự múc ăn, tự mặc quần áo, tự tắm rửa, đi vệ sinh... Bằng cách này, khi không có bố mẹ ở bên trẻ sẽ có cảm giác an toàn, ít lo sợ và tự tin hơn.
Bằng nhiều cách nên cho bé tiếp xúc với môi trường nhà trẻ trước khi bé đi học. Có thể chở bé theo khi đưa rước anh chị bé đi học, dẫn bé dạo quanh trường xem tranh ảnh, xem các khu vui chơi, chào hỏi cô giáo, cô bảo mẫu.
Nếu có điều kiện, nên tìm cho bé một người bạn học chung lớp đã quen biết, thậm chí thân nhau từ trước. Có thể là bạn lối xóm, chung một khu nhà ở, học cùng lớp, cùng trường hồi ở nhà trẻ, mẫu giáo…
Đặc biệt là không dọa trẻ bằng những lời nói “sát thương” vào đúng “huyệt đạo” của trẻ, kiểu như “Con mà không chịu đi học, mẹ sẽ không thương con nữa, không nuôi con nữa, mẹ sẽ cho con cho bà đổ rác…”
Hãy cho trẻ biết, tất cả trẻ em trên thế giới đều phải đi học. Và hãy giữ lời hứa đón con đúng giờ.
Tuy nhiên, nếu như không phải chỉ có ngày đầu tiên, tuần đầu tiên thậm chí tháng đầu tiên… mà trẻ vẫn duy trì thái độ phản kháng dữ dội khi đến trường trong một thời gian dài, phụ huynh nên nghĩ ngay đến bệnh lý.

Hãy nói cho trẻ biết, tất cả trẻ em trên thế giới đều phải đi học. Ảnh: Internet
Theo các bác sĩ tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận trẻ đến khám với chẩn đoán “stress học đường do sợ đi học”. Trong khi thăm khám điều trị tâm lý, bác sĩ tìm ra rất nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến trẻ không muốn đi học chỉ để “kêu gọi” sự chú ý từ bố mẹ. Các bác sĩ còn cho biết, phát hiện đa số những trẻ này là con cưng trong gia đình. Do “cưng” quá mức nên không chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết cơ bản trước khi trẻ đi học. Thiếu kỹ năng trẻ trở nên bất an, thiếu tự tin dẫn đến tâm lý sợ đi học.
Trong đó không thể bỏ qua chiêu trò “dọa” mách cô giáo của phụ huynh khi ở nhà trẻ không chịu ăn, không chịu ngủ, quậy phá, nói không nghe lời, các bác sĩ cho biết thêm.
Ngày đầu tiên đi học của con là một ngày đáng ghi nhớ hay đáng sợ hãi, tất cả nằm trong sự nỗ lực của bố mẹ.