Bốc thăm có thật sự là cách đảm bảo tính công bằng?

(DNTO) - Sáng qua 27/8, tại UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện phụ huynh “bốc thăm” suất cho trẻ 3 tuổi và 4 tuổi vào Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023. Đây được cho là phương thức tuyển sinh duy nhất đảm bảo tính công bằng trong trường hợp này.
Cách một tháng trước (ngày 27/7) tại buổi thông tin báo chí, cô Trịnh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt, cho biết, năm học 2022-2023, tổng số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đã vượt xa con số dự kiến tuyển sinh và khả năng tiếp nhận trẻ của nhà trường. Đây là áp lực rất lớn đối với Trường mầm non Hoàng Liệt. Ngoài việc ưu tiên tiếp nhận 100% trẻ 5 tuổi do là năm các em chuyển cấp, còn lại là quá khả năng của nhà trường.

Đông đảo phụ huynh ngồi chờ bốc thăm ở Hoàng Liệt. Ảnh: TL
Cũng tại buổi họp này, bà Trương Thu Hà - phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận Hoàng Mai cũng cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với phụ huynh để cùng bàn bạc phương án giải quyết, thống nhất phương thức tuyển sinh. Tình huống cuối cùng sẽ tổ chức bốc thăm để đảm bảo công bằng, minh bạch. Ngày 6/8, nhà trường đã có 4 buổi họp với gần 1.000 phụ huynh tham gia. Cuối cùng thống nhất phương án bốc thăm, bởi vì tính tới thời điểm hiện tại, đây là cách duy nhất đảm bảo tính công bằng.
Thế là đúng một tháng sau, hôm qua 27/8, tại UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện phụ huynh “bốc thăm” suất cho trẻ 3 và 4 tuổi vào Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023.
Thật ra tình trạng bốc thăm tuyển sinh học sinh mầm non đã từng diễn ra cách đây 10 năm (vào năm học 2012-2013) tại Trường mầm non Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Việc bốc phải tờ thăm mang dòng chữ “Hẹn gặp lại phụ huynh đợt tuyển sinh năm học sau 2013-2014”, đã làm cho không ít phụ huynh hồi ấy rơi vào tâm trạng rất buồn và tuyệt vọng.
Sau đó, năm học 2014-2015 tại TP Vinh, Nghệ An cũng xảy ra tình trạng quá tải học sinh bậc mầm non và tiểu học. Để được đi học, phụ huynh của các cháu đã phải bốc thăm may mắn. Ngoài ra, bốc thăm chọn lớp, chọn giáo viên chủ nhiệm cũng phổ biến ở một số trường, trên một số địa bàn.

Bốc thăm tuyển sinh học sinh mầm non đã từng diễn ra cách đây 10 năm. Ảnh: TL
Vấn đề đặt ra là bốc thăm có thật sự là cách đảm bảo tính công bằng không?
Cách đây nhiều năm vào “thời tem phiếu”, chúng tôi đi dạy, tiêu chuẩn mỗi tháng, mỗi người được phân phối một số mặt hàng nhu yếu phẩm trừ vào tiền lương. Ngoài gạo, thịt heo, dầu lửa, đường, bột ngọt, nước mắm…thỉnh thoảng chúng tôi cũng được cải thiện thêm các mặt hàng “xa xỉ” như vỏ, ruột xe đạp, áo may ô, dao cạo râu, băng vệ sinh…
Vì là hàng ngoài tiêu chuẩn nên được phân phối theo kiểu có gì phân nấy, có bao nhiêu phân bấy nhiêu nên đành chọn phương án bốc thăm. Thế là “nghịch cảnh” xảy ra. Thầy giáo bốc trúng băng vệ sinh, cô giáo bốc được dao cạo râu. Người quanh năm bơi xuồng đi dạy thì bốc được cái vỏ xe. Người đi xe đạp cái vỏ nhẵn thính thì bốc nhằm áo may ô. Chị nọ cần cái bình thủy vì sắp tới ngày sinh thì bốc đúng cái ruột xe đạp… Thế là lần nào sau khi bốc thăm xong, chúng tôi cũng thương lượng, du di bù đổi cho nhau. Vậy mà lần nào cũng bốc thăm cho nó… công bằng.
Trở về việc “Hoàng Liệt bốc thăm”. Có khi nào lá thăm may mắn rơi vào tay gia đình khá giả, có nhà có xe, có ông bà ở chung, có nuôi người giúp việc… Còn lá phiếu “chúc bạn may mắn lần sau” lại lọt vào tay đôi vợ chồng công nhân, ở trọ, “ngang trái” như trường hợp của chúng tôi mấy mươi năm trước?
Với những phụ huynh cầm trên tay lá phiếu ghi dòng chữ "Rất tiếc bé đã không trúng tuyển", trước mặt họ là cả một trời phải toan tính định liệu và không phải gia đình nào cũng có thể chi trả được học phí mầm non tư thục. Còn gửi ở các nhóm trẻ tư nhân thì de dọa bạo lực học đường nhan nhản trong thực tế khiến họ bất an.
Thật ra nếu khó khăn quá đành chấp nhận đến năm sau đăng ký lại, nhưng trẻ ở nhà thì ai trông coi cho bố mẹ đi làm? Nhiều người nghĩ tới phương án gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, cho đi mẫu giáo ở quê. Nhưng đâu phải ông bà nhà nào cũng còn khỏe mạnh và chấp nhận nuôi cháu. Cũng không phải cha mẹ nào cũng chấp nhận phương án xa con…

Một phụ huynh may mắn. Ảnh: TL
Bốc thăm trong tuyển sinh học sinh mầm non chẳng qua là hình thức đối phó cấp thời. Giải quyết vấn đề cần căn cơ và lâu dài. Căn cơ có liên quan đến quy hoạch ở Thủ đô, đến tốc độ đô thị hóa quá nhanh, chung cư mọc lên như nấm mùa mưa khiến dân cư tăng lên đột biến nhưng trường học thì lại không được quy hoạch, xây dựng kịp thời…
Qua đây, trong tâm tư của mỗi người dân, chúng tôi rất cần một giải pháp tích cực từ chính quyền để tình trạng mỗi mùa tuyển sinh phụ huynh phải xếp hàng bốc thăm tìm cơ hội học tập cho con em không còn tiếp diễn.