Những nỗi đau dần được xoa dịu bằng lòng nhân ái

(DNTO) - Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm cho 4.461 trẻ rơi vào cảnh mồ côi; trong đó có 193 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, đó là công bố của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB và XH). Hy vọng với sự chung tay của cộng đồng, những nỗi đau sẽ dần được xoa dịu bằng tình yêu thương và sự nâng đỡ.
Một năm trước vào những ngày tháng này, TP.HCM đang oằn mình chống chọi với làn sóng đại dịch Covid-19. Con số ca nhiễm bệnh mỗi ngày tăng theo cấp số nhân và con số bệnh nhân không qua khỏi cũng mỗi ngày mỗi chồng thêm lên.
Đành rằng sinh tử là quy luật của kiếp người, nhưng sự ra đi hàng loạt trong một thời gian ngắn với con số hàng chục ngàn là một tổn thất ngoài sức chịu đựng của con người. Huống gì đó là những cuộc ra đi trong cô quạnh, không người thân bên cạnh, không ai bày cuộc tiễn đưa, cũng không thể lựa chọn nơi gửi nắm xương tàn…

Bé N.T.D, ở TP.HCM, mất mẹ trong đại dịch Covid-19.
Trước mất mát đau thương đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, từ đầu tháng 8/2021, Bộ Tư lệnh TP.HCM thành lập các đội công tác đặc biệt tiếp nhận, xử lý thi hài từ khâm liệm, đưa đi hỏa táng. Sau khi hỏa táng, tro cốt được cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh TP.HCM đưa về Nhà tang lễ TP lưu giữ, lo nhang khói sau đó bàn giao cho gia đình.
Tối 19/11/2021, một buổi lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 đã được phối hợp tổ chức tại hai điểm cầu TP.HCM và Hà Nội. Một buổi lễ tưởng niệm long trọng với nhiều nước mắt tiếc thương.
Với người ra đi, như thế cũng gọi là an ủi. Nhưng với người ở lại có những nỗi đau và sự mất mát không thể nào bù đắp được. Đó là nỗi đau của hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi. “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Vậy mà có những em bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong 2 ngày liên tiếp. Có những em vội vã ra đời chưa kịp cảm nhận hơi ấm “da kề da” mẹ, chưa biết mùi vị sữa mẹ ra làm sao thì mẹ đã xuôi tay vì dịch bệnh.

Chương trình "ATM yêu thương" của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: TL
Ngay tức thì, cả xã hội đã vào cuộc. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã có nhiều giải pháp thiết thực chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết, yêu thương, tình nhân ái, nghĩa đồng bào của dân tộc ta được khẳng định và lan tỏa mạnh mẽ.
Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, nhiều bài viết tư vấn tâm lý cũng được các chuyên gia phổ biến trên các phương tiện truyền thông, hỗ trợ kiến thức tâm lý giáo dục nhằm nâng đỡ tinh thần để các em vượt qua cú sốc quá lớn trong đời.
Nhiều mô hình ra đời nhắm đến mục đích hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được ra đời như “Tình thương cho em”, chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chiến dịch "Em không lẻ loi", chương trình "Cặp lá yêu thương" của Đài truyền hình Việt Nam, chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học/em cho đến khi các em học hết trung học phổ thông của Hội đồng Đội TP.HCM. Và rất nhiều mô hình khác.
Đặc biệt, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình "ATM yêu thương", kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em bị mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi…
Khác với những trường hợp gặp phải khó khăn nhất thời trong đại dịch, câu chuyện trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 không chỉ là vấn đề trước mắt, các em còn một đoạn đường rất dài trên hành trình sống, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh mồ côi. Cho nên, một giải pháp có tính toàn diện, bền bỉ, dài hạn cần được tính tới.
Từ ý tưởng với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em học sinh không may mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 từ mọi miền tổ quốc, trường Hy vọng (Hope School) tại Đà Nẵng đã ra đời do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khởi xướng, với sự đồng hành của Tập đoàn Thiên Long, Hãng hàng không Vietjet…

Hy vọng với sự chung tay của cộng đồng, những nỗi đau sẽ dần được xoa dịu. Ảnh: TL
Trong 2 ngày đầu tháng 8 này, trường Hy vọng - Hope School tại Đà Nẵng đã đón hơn 200 trẻ mồ côi do Covid-19 đến từ 39 tỉnh thành trong khắp cả nước chuẩn bị vào năm học mới mở ra lộ trình chăm lo cho 1.000 học sinh mồ côi do Covid-19. Cũng trong ngày 1/8, 110 em học sinh các lớp 7 - 8, trong đó hầu hết là các em mồ côi do Covid-19 từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được tham gia Trại hè đại sứ Hàng Việt tí hon năm 2022 tại xứ sở ngàn hoa - Đà Lạt.
Cơn lốc đại dịch Covid-19 quét qua đất nước ta để lại hàng ngàn trẻ mồ côi, có em mất cha, có em mất mẹ, có em mất cả cha lẫn mẹ. Mỗi câu chuyện là mỗi hoàn cảnh đau thương. Hy vọng với sự chung tay của cộng đồng, những nỗi đau sẽ dần được xoa dịu bằng tình yêu thương, nâng đỡ.