Đầu tư tiền ảo, mất tiền tỷ thật: Bộ Tài chính cảnh báo khẩn
(DNTO) - Đề cập về khung pháp lý cho loại hình tiền ảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sẽ chủ động hơn nữa và có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý, tổ chức quản lý chặt chẽ, hiệu quả an toàn, bền vững.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, do vậy người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho giới đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù cơ quan quản lý đã liên tục cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chi tiền tỷ đồng để đầu tư tiền ảo nhằm kiếm lợi nhuận “khủng”.
Có nhiều nguyên nhân khiến các sàn giao dịch tiền ảo dù được cảnh bảo tỷ lệ rủi ro cao vẫn phát triển mạnh mẽ, thu hút người chơi. Trong đó hai lý do chủ yếu là lòng tham và tâm lý được mất của nhà đầu tư. Thực tế, ham muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng là một yếu tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển của các sàn giao dịch tiền ảo. Người chơi thường bị lôi cuốn bởi cơ hội kiếm tiền nhanh và dễ dàng thông qua giao dịch tiền ảo.
Thứ nữa, một số nhà đầu tư thị trường tiền ảo mang tâm lý của người đánh bạc. Những người này cho rằng rằng họ có thể may mắn và kiếm được nhiều hơn số vốn ban đầu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc thay vì dựa trên nghiên cứu, phân tích cơ bản nên rủi ro cao.
Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam đã xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đặt biển tên công ty chứng khoán khi chưa được cấp phép, tổ chức vận hành các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép (Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com…).
"Thông qua mạng xã hội, các sàn giao dịch đã kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành. Sau một thời gian không rút được tiền, hoặc tài khoản đầu tư bị thua lỗ nghiêm trọng, nhà đầu tư mới phát hiện có hành vi lừa đảo", đại diện UBCKNN nhận định.
UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi nhận lời mời chào đầu tư từ các cá nhân, tổ chức không rõ lai lịch, nhất là những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch. "Cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào các loại tài sản ảo, tiền mã hóa hoặc tham gia giao dịch chứng khoán, tài sản ảo trên sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép”, UBCKNN cảnh báo. UBCKNN đang liên hệ, trao đổi với một sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo…
Tại Họp báo thường kỳ quý 3/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 5/10, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực tiền ảo và UBCKNN là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế về loại hình tài sản này.
Theo đó, UBCKNN đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Tư pháp. Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã nhận dược ý kiến của các bộ, ngành, nhưng về cơ bản các ý kiến đều chưa làm rõ được phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo.
“Đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, đồng thời, cũng tương đối nhạy cảm so với các hoạt động quản lý kinh tế xã hội khác, đặc biệt các hoạt động phòng chống tội phạm, đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng. Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả và đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành. Trong phạm vi nghiên cứu của Bộ Tài chính, chúng tôi rất khó xây dựng được khung pháp luật đảm bảo tròn trịa các góc cạnh của vấn đề”, ông Thu cho biết.
Việc xác định phạm vi, nội hàm của tiền ảo, tài sản ảo đang được các chuyên gia chứng khoán nhận định, chưa có khái niệm chính thức. Do vậy, việc lập Tổ công tác liên ngành là để nghiên cứu tiếp cận các thông lệ quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng vào thực tế của Việt Nam một cách phù hợp.
Khuyến cáo vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa công nhận tiền ảo là tài sản. “Muốn được giao dịch thì phải là tài sản, từ đó mới lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý…, do vậy, chúng ta còn nhiều bước nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với loại hình tài sản này. Cùng với việc kiến nghị thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hơn nữa, có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để có khung pháp lý chặt chẽ, tổ chức quản lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.