Đại gia ngoại ‘hốt bạc’ trên thị trường bán lẻ Việt Nam
(DNTO) - Các “ông lớn” bán lẻ từ Thái Lan, Nhật Bản có thêm một năm ấm no với doanh thu liên tục tăng trưởng từ thị trường 100 triệu dân, nơi họ xem là thị trường trọng điểm.
Tiền chảy về túi các đại gia ngoại
AEON - “ông lớn” bán lẻ đến từ Nhật Bản vừa tung bản công bố kết quả kinh doanh quý 3 của năm tài chính kết thúc vào tháng 2-2025. Theo đó, giai đoạn tháng 3 đến 11-2024, AEON Mall ghi nhận doanh thu hoạt động hợp nhất đạt hơn 54.567 tỉ đồng.
Trong đó, thị trường Việt Nam mang về hơn 2.000 tỉ đồng doanh thu, cao nhất trong các thị trường tại Đông Nam Á mà tập đoàn hoạt động. Tính chung tất cả các thị trường AEON đang hiện diện, doanh thu từ thị trường hơn 100 triệu dân tại Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Nhật Bản và Trung Quốc (quốc gia có hơn 1,4 tỉ người).
Sau hơn 10 năm hoạt động, AEON đã đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD vào Việt Nam và từng đặt mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại. Họ nhận thấy tiềm năng phát triển lâu dài từ thị trường tiêu dùng với hơn 100 triệu dân, cùng mức thu nhập ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Vì vậy, trong nhiều tuyên bố công khai trước báo giới, lãnh đạo AEON luôn nhấn mạnh sẽ đầu tư lâu dài tại Việt Nam vì đây là một trong những thị trường trọng điểm của họ.
Không kém cạnh đối thủ, Central Retail ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 tại thị trường Việt Nam đạt 27.628 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty bán lẻ hàng đầu tại Thái Lan vươn “vòi bạch tuộc” của mình trên khắp mảng bán lẻ tại đất nước chữ S. Trong lĩnh vực thực phẩm, Central Retail đang sở hữu các thương hiệu như có Central Food Hall, Tops Market, Tops Daily, Tops Superstore, Tops Online, Family Mart, GO!, Mini go!, và siêu thị Lan Chi.
Mảng thời trang bao gồm trung tâm mua sắm Central, trung tâm mua sắm Robinson, Supersports, Central Marketing Group (CMG) và Rinascente. Mảng điện tử gia dụng gồm Bao gồm Power Buy, Thai Watsadu, Baan & Beyond, Auto1, vFIX, OfficeMate, B2S, meb e-book và Nguyễn Kim.
Và cuối cùng, mảng quản lý bất động sản gồm các đơn vị bán lẻ Robinson Lifestyle, Tops Plaza ở Thái, Siêu thị GO! (Big C) ở Việt Nam.
Một “đại gia” bán lẻ khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam cũng đang chiếm tới 18% tổng thị phần bán lẻ, tăng trưởng tổng doanh thu trung bình 3,2%/năm tính tới cuối 2023.
Có thể thấy, với nền kinh tế ổn định và có tốc độ tăng trưởng tốt, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng đối với các thương hiệu quốc tế. Nghiên cứu của Savills và Oxford Economics dự báo, dân số TP. HCM và Hà Nội sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người vào năm 2028. Tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, dự kiến đạt 23,2 triệu hộ gia đình vào năm 2030, theo World Bank, tạo động lực lớn cho tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc cao cấp.
Bên cạnh đó, kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chỉ chiếm 25% tổng thị trường bán lẻ Việt Nam. So với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan,... tỷ lệ này vẫn còn khá thấp nên vẫn còn nhiều “đất” để các nhà bán lẻ mở rộng quy mô hoặc các tay chơi mới gia nhập thị trường.
Áp lực từ xu hướng mới
Nhưng không phải thị trường màu mỡ thì tất cả người chơi đều có cơ hội thắng. Bên cạnh những đại gia ngoại đang hốt bạc, cũng có những người khá chật vật. Điển hình là Lotte Mart.
Giai đoạn 2017-2021, doanh thu Lotte Mart có lúc gần 7.000 tỷ đồng, song công ty liên tục lỗ ròng. Năm 2020, lợi nhuận đạt âm 40 tỷ đồng. Năm 2021, mức lỗ tăng mạnh hơn gần 20 lần so với năm 2020, đạt âm 820 tỷ đồng. Đến năm 2022, mức lỗ đã giảm trở lại về mức âm 50 tỷ đồng.
Một chuỗi siêu thị khác đến từ xứ sở kim chi là E-mart còn thê thảm hơn. Bước chân vào Việt Nam từ 2015 với đại siêu thị đầu tiên tại TP.HCM tốn tới 60 USD vốn đầu tư, nhưng sau 5 năm kinh doanh, nhà đầu tư Hàn Quốc không thể mở thêm được địa điểm mới nào. Emart buộc phải bán mình cho một doanh nghiệp nội địa là Thaco.
Số phận đáng buồn nhất phải kể đến là “ông lớn” Parkson. Sau 18 năm làm ăn ở Việt Nam, từng trải qua thời kỳ hoàng kim với một loạt trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, Parkson buộc phải từ bỏ thị trường 100 triệu dân sau chuỗi ngày thua lỗ kéo dài.
Trước Parkson, nhiều đại gia bán lẻ ngoại như Auchan Retail, Casino Group (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức)... cũng có tình cảnh tương tự.
Bên cạnh đó, các đại gia bán lẻ ngoại dù có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, quản trị tốt nhưng cũng đang đối diện với các tay chơi nội địa đang lớn dần. Đó là Wincommerce với hệ thống WinMart, WinMart+; Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, Satra Mart, Saigon Co.op... các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước, theo Bộ Công thương.
Bên cạnh đó, các chuỗi này vẫn liên tục ghi nhận lợi nhuận dương, với sự hậu thuẫn từ các tập đoàn mẹ, sự thấu hiểu văn hóa tiêu dùng địa phương, họ đang mạnh mẽ mở rộng hoạt động để đánh chiếm thị phần. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang tận dụng lợi thế “sân nhà” và hệ sinh thái của mình để chiếm lĩnh vị trí đẹp, liên kết các nhà sản xuất nhằm đảo ngược tình thế.
Ngoài ra, nhìn vào tỷ lệ kênh bán lẻ truyền thống ở Việt Nam vẫn chiếm áp đảo (75%) có thể thấy tập quán tiêu dùng của người Việt vẫn ưu tiên sự tiện lợi, giá rẻ, mẫu mã đa dạng nên chọn đi ra chợ. Vì vậy, muốn tăng tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại, cần thời gian giáo dục, định hướng người tiêu dùng về lợi thế khi mua sắm tại kênh bán lẻ hiện đại để giúp họ thay đổi hành vi mua sắm. Bên cạnh đó, các kênh hiện đại cần giải quyết điểm yếu của mình so với kênh bán lẻ truyền thống để thu hẹp khoảng cách.
Các nhà bán lẻ cũng đang gặp áp lực khi phải thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới như thương mại điện tử, tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Họ buộc phải nhanh chóng chuyển đổi sang bán hành đa kênh, tìm cách giảm phát thải trong hoạt động kinh doanh (vận tải, đóng gói...).