Cuộc ‘cách mạng’ không ‘tiếng súng’
(DNTO) - Một diện mạo mới đang hiện lên trong bản làng của những người dân tộc Ê-đê, không phải những con đường bê tông thẳng tắp, không phải những ngôi nhà mái bằng khang trang, mà đó là sự thay đổi tích cực về tư duy của những người dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe.
Một buổi sáng cuối tháng Tư, Hnã Kpơr, 20 tuổi, dân tộc Ê-đê, đèo cô con gái 3 tháng tuổi đến Trạm Y tế xã Dang Kang (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) để tiêm phòng định kỳ. Sau khi thăm khám tổng quát, đứa trẻ được kết luận sức khỏe bình thường, đủ điều kiện tiêm phòng.
Hnã Kpơr kể, nhờ sự vận động của đội ngũ y tế thôn, cô biết việc tiêm phòng định kỳ là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ em. Trước kia, khi sinh con, Kpơr cũng lựa chọn sinh tại Bệnh viện huyện Krông Bông, không sinh tại nhà như các thế hệ trước để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và bé.
Ngay cả khi được hỏi về dự định sẽ sinh mấy đứa con, khi nào sinh tiếp, Hnã Kpơr cũng trả lời một cách dứt khoát: “Vợ chồng em thống nhất chỉ sinh 2 đứa thôi, mà phải 3-4 năm sau mới sinh thêm, để chăm con với làm ăn nữa”.
Kpơr cũng cho biết, đa phần những người trẻ trong thôn bản của cô đều đã có ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như chăm sóc sức khỏe cho con cái theo khoa học.
Bản thân bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng của Kpơr, do sinh tới gần 10 người con trong khi tổng thu nhập chỉ vỏn vẹn 2-3 triệu đồng/tháng nên cuộc sống kinh tế rất khó khăn, nhiều đứa em Kpơr bỏ học từ sớm. Vì vậy, ông bà cũng đã nhận ra những khó khăn của việc sinh nhiều con trong khi điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên hiện tại không còn gây áp lực lên thế hệ sau về việc sinh nở.
Cũng giống như Hnã Kpơr, chị Hgeng B’yă (xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) rất chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé. Ngay từ khi mang bầu đứa con trai thứ ba, chị đã vài lần tìm đến phòng siêu âm tư nhân để kiểm tra và đều được kết luận tình trạng sức khỏe của mẹ và bé ổn định.
Nhưng chẳng may bé trai sinh ra có triệu chứng bàn chân khoèo bẩm sinh. Ngay lập tức, vợ chồng chị B’yă đã liên hệ ngay với bác sĩ để tìm hướng điều trị.
Hiện tại, kinh tế gia đình chị B’yă khá khó khăn khi trong tay chỉ có hai sào rẫy trồng cà phê, mỗi năm thu được vài triệu đồng. Thời gian rảnh rỗi, chồng chị B’yă đi làm thuê, với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Trong khi để chữa trị chứng khèo chân bẩm sinh cho con, vợ chồng chị B’yă phải bỏ ra gần chục triệu đồng mỗi tháng do chi phí di chuyển từ nhà đến bệnh viện tỉnh đắt đỏ. Dù trước mắt chưa biết sẽ xoay sở khoản tiền chữa bệnh cho con từ đâu, nhưng chị B’yă cho biết sẽ cố gắng để chữa trị cho bé, và vợ chồng chị cũng đang tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ.
Mặc dù suy nghĩ “sinh con đàn, cháu đống”, rồi “trời sinh voi, trời sinh cỏ” trong cộng đồng người dân tộc thiểu số chưa hoàn toàn được loại bỏ, nhưng nhờ sự vận động, tuyên truyền tích cực của đội ngũ y tế và cán bộ làm công tác tuyên truyền, ý thức về việc sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khỏe khoa học đã dần len lỏi và lan tỏa trong từng thôn bản, từng gia đình.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Hạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Dang Kang cho biết, những năm gần đây, số lượng người dân đến trạm y tế này đã tăng gấp 3-4 lần so với trước, gần như không còn tình trạng sinh con tại nhà, tình trạng tự ý chữa bệnh tại nhà cũng giảm hẳn, do người dân đã nhận ra được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe một cách khoa học, điều mà trước đây họ không bao giờ để ý.
Và khoảng thời gian người dân Dang Kang ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng là khoảng thời gian các thành viên dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số" – dự án EC4 (do Liên minh châu Âu và Tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ) phối hợp cùng cán bộ địa phương “đi từng ngõ, ngõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động.
Sự bền bỉ trong công tác tuyên truyền đã tạo nên thành công bước đầu của cuộc “cách mạng”- “cách mạng tư duy” – yếu tố tiên quyết dẫn đến những thay đổi trong hành động của người dân tộc thiểu số, mà theo vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dang Kang bà Nguyễn Thị Hòe, đó là “dù dự án EC4 chỉ vài tháng nữa kết thúc nhưng để lại một mô hình mẫu trong việc tổ chức nhóm cộng đồng truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, để ban ngành địa phương tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng dân tộc”.
Dự án EC4 được triển khai trong 4 năm (từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2021) tại 3 xã thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk (gồm Dang Kang, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền) và 2 xã thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (gồm Đan Phượng, Tân Thanh), mục tiêu tác động đến 95.320 đối tượng hưởng lợi, tương đương với 60% số phụ nữ và thanh niên ở các địa phương nói trên.
Đến nay, Dự án đã tài trợ hoạt động cho 30 nhóm phát triển cộng đồng tại 5 xã nói trên, mỗi nhóm thu hút từ 15-35 phụ nữ tham gia sinh hoạt, truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tài trợ gói thiết bị y tế cho phòng khám đa khoa của 2 huyện Krông Bông và Lâm Hà với tổng trị giá gần 2,7 tỷ đồng.