Người phụ nữ 20 năm bền bỉ giữ gìn và phát triển nghề thêu tay
(DNTO) - Thêu tay là một nghề truyền thống mang tính nghệ thuật không hề xa lạ với người Việt Nam. Ở Bến Tre, vào những năm 2000, nghề thêu tay đã một thời “làm mưa làm gió” bởi sự nổi lên như một hiện tượng. Đó là sự xuất hiện của “Cô Chín dạy thêu tay miễn phí”.
Sau hai mươi năm, có dịp trở lại Khánh Quyên, tôi mới thấy được nội lực mạnh mẽ và sức sống bền bỉ của một nghề truyền thống. Trong hai mươi năm ấy, trải qua bao thăng trầm, nghề thêu tay đã có lúc tưởng chừng mai một. Nhưng tập thể lao động ở Khánh Quyên và người phụ nữ nhân hậu với cái tâm sáng và tài năng Nguyễn Thị Rãng, chủ nhân của nó, đã góp công rất lớn giữ gìn và phát triển đến hôm nay.
Ngôi nhà hai tầng khang trang nằm ven quốc lộ 60 với tường sơn màu hồng, cái màu hồng phai giữa buổi chiều nắng nhạt chìm đắm trong mùi hương Nguyệt Quế nồng nàn, tách biệt hẳn với thế giới xô bồ ồn ã ngoài kia, làm tôi cảm thấy dễ chịu. Đây cũng là nơi tọa lạc của Cơ sở thêu tay Khánh Quyên ở Ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.
Hai mươi năm, thời gian đủ để cái tên Chín Rãng ngự trị trong lòng của nhiều thế hệ thợ thêu ở đây. Hai mươi năm, thời gian có lấy đi của chị ít nhiều nét thanh xuân nhưng nụ cười hiền khô lấp lánh trên khuôn mặt phúc hậu thì vẫn còn nguyên vẹn.
Nguyễn Thị Rãng, sinh năm 1964, ở xã Tân Thạch, Châu Thành. Sinh ra trong một gia đình có tới mười người con, Rãng mồ côi mẹ từ năm lên bốn. Mười lăm tuổi Rãng được gởi vào Phòng Thương nghiệp Giồng Trôm ở trọ đi học. Con bé Rãng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hiền khô, siêng năng lại khéo tay được các chị ở chung nhà tập thể rất thương. Rãng thường được các chị cho vải dạy thêu hình bông hoa, bươm bướm. Ngoài giờ học, Rãng tẩn mẩn ngồi tự vẽ rồi thêu khăn, thêu bao gối tặng mọi người, đường nét sắc sảo không thua hàng bán ngoài chợ. Được các chị khen, Rãng rất thích nhưng chưa bao giờ Rãng nghĩ cuộc đời mình sau này sẽ gắn bó với khung thêu, kim chỉ.
Năm 1989, tốt nghiệp Khoa Kinh tế Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, mãi không tìm được việc làm, Rãng về quê lấy chồng. Trong thời gian chờ tìm việc phù hợp, Rãng lãnh hàng thêu tay gia công cho người ta kiếm tiền phụ trang trải kinh tế gia đình. Mới đầu Rãng chỉ lãnh đủ cho mình làm. Sau thấy mấy chị hàng xóm không có việc làm, Rãng lãnh nhiều thêm một chút chia lại cho mọi người. Dần dần, Rãng trở thành đầu mối giao nhận hàng.
Căn nhà nhỏ nằm giấu mình ở một góc vườn bấy giờ bỗng trở nên chật chội, suốt ngày rộn rã tiếng cười vui của mấy chị hàng xóm tới nhận lại hàng về thêu. Ai không biết thêu, Rãng tận tình chỉ dẫn. Thế là xuất hiện trước cổng nhà cô lủng lẳng tấm bảng “Cô Chín dạy thêu tay miễn phí”.
Tiếng lành đồn xa, chị em đến xin học và xin lãnh đồ thêu ngày càng nhiều. Rãng lặn lội khắp nơi tìm nguồn hàng nhưng cũng không đủ đáp ứng. Cô mạnh dạn đứng ra thành lập Cơ sở thêu tay Khánh Quyên. Công việc cứ thế cuốn lấy Rãng đi như một vòng xoay của số phận. Mảnh bằng đại học bị Rãng bỏ quên, nằm buồn hiu trong ngăn tủ.
Bên cạnh việc buôn bán trong nước, sản phẩm thêu Khánh Quyên còn được xuất khẩu sang các nước Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản với nhiều mặt hàng phong phú từ cao cấp như tranh thêu, khảm, quần áo, đến bao gối, túi xách, bóp, thậm chí cái bao đựng điện thoại di động…
Bây giờ nhắc đến Khánh Quyên, ngoài nhiều giải thưởng, huy chương vàng mà cơ sở đạt được cho sản phẩm, người ta không quên nhắc đến cô Chín Rãng, Ủy viên Thường trực Hội Nữ doanh nhân tỉnh, từng đạt danh hiệu Phụ nữ tài năng trong thời kỳ đổi mới . Người phụ nữ với vẻ ngoài nhỏ nhắn tưởng chừng rất đỗi mong manh nhưng lại ẩn chứa bên trong một tấm lòng nhân hậu, một nghị lực bền bỉ và nỗi khát khao mãnh liệt được tồn tại, vươn lên.
Vẫn nụ cười hiền khô cùng giọng nói đặc sệt Nam bộ, Rãng bộc bạch: “Em đến với nghề thêu một cách hết sức tình cờ. Nhờ nó mà em vượt qua được giai đoạn khó khăn nhứt trong cuộc đời. Em muốn truyền nghề lại cho chị em cũng khó như em hồi đó. Người leo được lên bờ, quay lại đưa tay kéo người còn bơi dưới nước vậy mà”.
Tôi mê mải vòng quanh gian hàng trưng bày thành phẩm của cơ sở ngắm nghía không biết chán. Ngoài kia bóng chiều lãng đãng cơ hồ như muốn lẫn vào đêm. Ngày tháng mười có khác, chưa cười đã tối.