Thân phận người phụ nữ dưới góc nhìn của phim Kiều
(DNTO) - Sau gần 2 năm kể từ khi triển khai dự án với 1 lần phải lùi lịch quay, 2 lần lùi lịch khởi chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuối cùng, bộ phim điện ảnh cổ trang lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển “Truyện Kiều” đã chính thức được giới thiệu với khán giả cả nước.
Với nhiều đại cảnh quay kỳ công, mức đầu tư bối cảnh công phu, câu chuyện được khai thác với lát cắt vừa đủ dung lượng cho bản điện ảnh, phim "Kiều" của Mai Thu Huyền đã không làm công chúng thất vọng sau nhiều lần chờ đợi với sự háo hức.
Không đơn thuần chỉ là màn đánh ghen nổi danh hàng thế kỉ qua, nội dung phim bên cạnh việc xoay quanh câu chuyện tình tay ba giữa Thuý Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư còn toát lên thông điệp về khát vọng tình yêu, ước nguyện tự do, giải phóng con người, thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Có thể nói, cùng với hoá thân tròn vai của Trình Mỹ Duyên, Cao Thái Hà, Lê Anh Dũng trong bộ ba Thuý Kiều, Hoạn Thư, Thúc Sinh, dàn diễn viên phụ như: NSND Lê Khanh, Phương Thanh, Hiếu Hiền..., đã được tạo nhiều đất diễn ấn tượng. Họ cũng chính là những điểm nhấn sáng với cách diễn tiết chế, bật được nền cho các diễn viên chính tung hứng. Phần âm nhạc của phim, ca khúc chính của phim qua thể hiện của Bùi Lan Hương là một thành công của phim. Chắc chắn, ca khúc sẽ tạo được đời sống ngay khi phim Kiều được công chiếu.
Đừng đặt kỳ vọng phim bám sát nguyên tác, đặt bối cảnh câu chuyện trong giai đoạn Kiều rơi vào lầu xanh được Thúc Sinh cứu ra, hẳn khán giả sẽ hài lòng với chuỗi phát triển tính cách nhân vật trong Kiều.
Chia sẻ về lý do lựa chọn giai đoạn cuộc đời này để đưa lên phim, tác giả kịch bản Phi Tiến Sơn cho biết: “Trong cuộc đời Thúy Kiều có 3 mối tình mà nàng đều say đắm, nặng tình nặng nghĩa. Với Kim Trọng là thắm thiết lãng mạn của mối tình đầu, với Thúc Sinh là lãng tử nồng nhiệt, với Từ Hải là mối tình điển hình anh hùng - mỹ nhân", tác giả kịch bản nói.
"Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn mối tình với Thúc Sinh làm trọng tâm. Chúng tôi cho rằng, đây là mối tình gần với cuộc sống nhất, đời nhất, người nhất, và cả “hiện đại” nhất. Bi kịch của mối tình này cũng “thật” hơn, dễ hiểu và đồng cảm hơn. Trong mối quan hệ này, cả ba nhân vật Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư đều được đẩy đến tột cùng của yêu thương và đau khổ. Trong đó, nhân vật Thúc Sinh được chúng tôi bồi đắp thêm chất lãng mạn của Kim Trọng, chất trượng phu của Từ Hải, để thể hiện rõ hơn thông điệp của phim là: “Khát khao tự do, giải phóng con người”, tác giả kịch bản Phi Tiến Sơn chia sẻ.
Đạo diễn Mai Thu Huyền cũng không khỏi xúc động khi chia sẻ về hành trình thực hiện phim điện ảnh cổ trang “Kiều” với rất nhiều khó khăn, thách thức và sự đồng lòng, nhiệt huyết của tập thể hơn 100 con người để có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật này. Đến nay, phim điện ảnh cổ trang Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bối cảnh khi chưa có một phim trường chuyên nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu sản xuất.
Bối cảnh kém chỉn chu sẽ không thể thổi hồn cho yếu tố văn hóa lịch sử mang tính thời gian và không gian của một bộ phim điện ảnh cổ trang. Đó là lí do để nhà sản xuất – đạo diễn Mai Thu Huyền rất chịu chơi cho dự án “Kiều” lần này khi quyết định bấm máy bộ phim ở 6 tỉnh thành trải dài khắp cả nước gồm: Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị và TP.HCM.
Sự đầu tư bài bản về bối cảnh đã mang đến những cảnh phim đẹp mắt, đem đến cho khán giả một sự trải nghiệm nghệ thuật thú vị khi thưởng thức bộ phim điện ảnh cổ trang “Kiều”.
Phim sẽ công chiếu chính thức tại các rạp vào ngày 9/4, trước và trong giai đoạn phim công chiếu, đoàn phim cũng có một lịch trình dày đặc giao lưu với sinh viên các trường đại học và khán giả yêu phim Việt trên khắp 4 tỉnh thành: Hà Tĩnh (quê hương của đại thi hào Nguyễn Du), Huế (nơi chiếm 70% bối cảnh trong phim) và 2 trung tâm điện ảnh lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Những con số ấn tượng có thể kể đến trong hành trình đưa “Kiều” lên màn ảnh rộng đó là: 1 năm lên kế hoạch và 1 năm triển khai sản xuất bộ phim, 2 tháng quay phim nằm giữa 2 mùa dịch Covid, 3 đợt casting diễn viên ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, 4 lần đặt hàng kịch bản, 5 lần khảo sát bối cảnh ở hơn 20 tỉnh thành, 6 tỉnh thành có bối cảnh phù hợp, 7 lần chỉnh sửa kịch bản trước khi sản xuất, 8 tháng hậu kì, 9 tuần huấn luyện diễn xuất, 10 năm ấp ủ dự án.