Covid-19 là quá trình sàng lọc giúp doanh nghiệp thích ứng và bứt tốc
(DNTO) - Trong khủng hoảng đại dịch, đừng kỳ vọng khó khăn sẽ sớm chấm dứt mà phải thích ứng ngay trong giai đoạn này. Chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh, thay bằng việc ngồi chờ khó khăn đi qua, các doanh nghiệp hãy tận dụng cơ hội để thoát hiểm và bứt tốc.
Vượt qua thách thức sẽ trưởng thành
Nói về cơ hội cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, luật sư Phạm Thành Long, người sáng lập doanh nghiệp luật Gia Phạm cho rằng, khi đại dịch xuất hiện, đã có quá nhiều sự thay đổi.
“Hầu như ai cũng chờ đợi và hy vọng tình trạng này sẽ biến mất để quay lại trạng thái bình thường như xưa. Theo tôi, dù có quay lại bình thường thì cũng không thể như xưa được nữa. Vì thói quen, hành vi đã thay đổi. Vì vậy, thay bằng việc ngồi chờ khó khăn đi qua, chúng ta cần phải thích ứng ngay trong giai đoạn này, nếu không sẽ quá muộn”, LS. Long chia sẻ.
Theo LS. Long, dù khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm vượt qua, chúng ta sẽ bỏ xa những chướng ngại vật đang cản chân. Nếu mọi người cho rằng chờ hết dịch mới hành động thì coi như thua. Vì khó khăn cũng là cơ hội để phát triển.
Ông Long đã nêu ví dụ cụ thể về trường hợp biết tận dụng hoàn cảnh để thích ứng và thoát hiểm, đó là những doanh nghiệp tại TP.HCM trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ) để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất.
“Trong khi không ít doanh nghiệp khác đều đã dừng lại, thì cũng có những doanh nghiệp không đầu hàng, họ vẫn nỗ lực để duy trì sản xuất. Điều đó cho thấy, dù bất cứ hoàn cảnh nào đều phải vượt qua. Nếu vượt qua thách thức, chúng ta sẽ trưởng thành. Đừng vì lý do khó khăn mà dừng lại”, LS. Long nhấn mạnh.
Hãy sống cùng các cú sốc kinh tế, đừng né tránh
Quan điểm này của LS. Phạm Thành Long cũng trùng với ý kiến của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Tại Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”, vừa diễn ra mới đây, ông Dương cho rằng, dịch Covid-19 cũng là quá trình sàng lọc rất tốt của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nào thích ứng tốt, có sức chống chịu mạnh mẽ sẽ vượt qua và phát triển. Ngược lại, những doanh nghiệp có sức đề kháng kém, loay hoay không thay đổi thì sẽ bị làn sóng Covid-19 nhấn chìm.
“Trong bối cảnh này, chúng ta cần tránh tư duy về độc lập - tự chủ của nền kinh tế theo hướng chỉ tập trung vào “phòng thủ,” cụ thể là nâng cao sức chống chịu với những cú sốc kinh tế, phải sống cùng với nó chứ không phải tránh nó đi. Nếu cứ lo sợ và tránh sang một bên là đóng cửa nền kinh tế. Thay bằng cứ trốn tránh, chúng ta phải tham gia tích cực và đảm bảo sự phát triển của mình”, ông Dương nói.
Đóng góp giải pháp giúp doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội trong đại dịch, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Vietnam bày tỏ, trong khủng hoảng đại dịch, nhiều doanh nghiệp không trụ vững, bắt buộc phải rút lui khỏi thị trường, kế vào đó là các doanh nghiệp với trình độ khoa học công nghệ cao hơn thay thế. Có sự tái cấu trúc vô cùng mạnh mẽ.
Rõ ràng, để vượt qua thách thức hiện tại, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.
Đề cập tới động lực cho tăng trưởng kinh tế, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh, cần có biện pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua những biện pháp dài hạn như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo...