Cổ phiếu ngân hàng đỏ - xanh trái chiều sau báo cáo tài chính quý 1
(DNTO) - Dù mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ được các ngân hàng công bố, tuy nhiên diễn biến thị giá các cổ phiếu ngành ngân hàng lại khá trái chiều nhau.
Tính đến hiện tại, nhiều nhà băng đã bắt đầu rục rịch công bố báo cáo tài chính quý 1. Những con số đưa ra khá ấn tượng với mức lợi nhuận đưa ra hàng nghìn tỷ của mỗi nhà băng. Dù vậy, thị trường đón nhận kết quả trên khá khác biệt khi thể hiện sự phân hoá rõ nét trong nhóm ngành này.
Phân hoá trái chiều
TCB nhận được hiệu ứng tích cực từ sau báo cáo quý 1 và kết quả từ Đại hội cổ đông vừa mới diễn ra. Phiên giao dịch ngày 23/4, TCB đã tăng gần 2,7%, trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất trong việc giữ chỉ số VN-Index khỏi đà giảm sâu với phiên giảm sâu như hôm nay. VN-Index đã đánh mất hơn 12 điểm chỉ còn 1.177 điểm.
Đà tăng của TCB đã rục rịch từ phiên liền trước ngay khi những kết quả kinh doanh quý 1 của doanh nghiệp được chính thức công bố.
Tính đến cuối quý 1, cho vay khách hàng của nhà băng đã đạt trên 540 ngàn tỷ đồng, tăng so với kết quả 502 ngàn tỷ đồng thời điểm cuối năm ngoái, trong đó nợ đủ tiêu đạt trên 97% trong quý. Tiền gửi khách hàng cũng tăng nhẹ từ mức 457 ngàn tỷ đồng lên mức 460 ngàn tỷ đồng.
Kết quý 1, TCB đạt mức lãi ròng trên 5.330 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.439 ngàn tỷ đồng cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm mạnh từ 33% cùng kỳ xuống còn 26%.
Kết quả trên đã tạo hiệu ứng tốt cho TCB. Hơn 15 triệu cổ phiếu được trao tay trong phiên, tương đương với giá trị hơn 720 tỷ đồng, chỉ đứng sau MWG trong phiên giao dịch. Tính 5 phiên gần nhất, thị giá TCB đã tăng tổng cộng hơn 4%.
Trong khi TCB tích cực, MBB lại không mấy nổi bật khi cổ phiếu ngân hàng này lại giảm mạnh, đỏ rực trong phiên giao dịch.
Kết thúc quý 1, MBB đạt lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ cho vay 615 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với thời điểm đầu năm. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh mang về cho nhà băng gần 1.000 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 37 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, một số điểm từ báo cáo của MBB chưa thực sự thuyết phục nhà đầu tư như tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,9% cuối năm ngoái lên 2,4%, tiền gửi khách hàng có giảm nhẹ từ 567 ngàn tỷ đồng xuống còn 558 ngàn tỷ đồng.
Kết quả trên khiến MBB dù mang về lợi nhuận ròng trên 5 ngàn tỷ đồng nhưng cổ phiếu vẫn chưa thực sự thu hút nhà đầu tư. Nếu TCB nâng đỡ cho VN-Index thì MBB lại là một trong những cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung. MBB đã mất 2,6%, cổ phiếu bị bán mạnh khi có hơn 30 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên.
Sẽ ổn định vào cuối năm?
Việc cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hoá là điều được dự báo trước, bởi thực chất thế mạnh sẽ dành cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, có nguồn khách hàng bền vững ổn định và có NIM chống chịu được trước sự điều chỉnh đi xuống của lãi suất.
Theo phân tích của VPBanks Research, trong ngắn hạn việc rung lắc, biến động của nhóm ngành này là khó tránh khỏi, tuy vậy về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu phục hồi dần trong quý cuối năm và tăng trưởng 2024 mạnh hơn trên nền thấp của 2023 thì định giá 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn từ 8,6 đến 9,4 lần P/E (so với P/E trong bình 12 lần) và 1,3-1,6 lần P/B (so với P/B trung bình 1.8 lần)", các chuyên gia cho biết.
Họ kỳ vọng dành cho ngành ngân hàng vào giai đoạn cuối năm nhờ khả năng NIM cải thiện khi mặt bằng lãi suất thấp làm giảm chi phí vốn, cầu vay vốn trong nước tăng lên khi kinh tế trong nước và thế giới dần hồi phục.
"Đối với ngành ngân hàng có quan hệ rất mật thiết tới nền kinh tế, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư đầu tư cho trung và dài hạn", VPBanks Research khuyến nghị.
Dù vậy, các chuyên gia đưa ra nhiều yếu tố các rủi ro có thể xảy ra, bao gồm việc thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn gặp khó và cuối cùng là áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn lớn.