Cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn hơn
(DNTO) - Sau ba tháng tích lũy vừa qua, cổ phiếu ngân hàng được nhận định đang dần trở về trạng thái hấp dẫn bởi nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho nhóm ngành này.
Tháng 11 đánh dấu bước đầu trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt trong những phiên cuối tháng, điển hình như phiên 24/11, nhóm này tăng tới 5%.
Thống kê của VietstockFinance cho biết, trong tháng 11, giá trị vốn hóa của nhóm hàng này tăng hơn 74.000 tỷ đồng, lên gần 1,84 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3% so với mức 1,76 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 10. Hơn 200 triệu cổ phiếu "vua" được chuyển giao mỗi ngày, tăng 54% so với tháng 10.
Vào phiên cuối cùng của tháng 11, ngày 30/11, chỉ số ngành ngân hàng tăng hơn 25 điểm, tương đương tăng hơn 4% so với cuối phiên 29/10, đạt 623 điểm. Trong khi đó, VN-Index đạt mốc 1.478 điểm, mặc dù tăng 2% so với cuối tháng 10, nhưng vẫn giảm 22 điểm so với đỉnh trong phiên 25/11.
Mặc dù vấp nhiều lực cản, nhưng nhóm ngân hàng vẫn ghi nhận sự phục hồi khi đa số giá cổ phiếu của các ngân hàng và thanh khoản đều tăng trong tháng qua. Riêng NVB và KLB có dấu hiệu giảm mạnh.
Bước sang tháng cuối của quý 4, nhóm ngân hàng tiếp tục nhận được những đánh giá tích cực từ phía các chuyên gia.
Lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực
Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nhưng ngành ngân hàng được đánh giá nhiều triển vọng về lợi nhuận.
Trước hết, nhu cầu tín dụng sau hồi phục kinh tế được xem là động lực quan trọng cho nhóm ngân hàng. Chỉ trong 3 tuần cuối tháng 10, tổng tín dụng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng của quý 3 và 1,07%/tháng của 6 tháng đầu năm. Đây là cơ sở cho kỳ vọng phục hồi tín dụng tích cực trong quý 4 này.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng cao như VCB, TPB, TCB, MSB, MBB, ACB, VIB khi bản thân các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động (LDR) thấp...
Khoản thu dịch vụ cũng được xem là đòn bẩy quan trọng cho lợi nhuận các ngân hàng sau đại dịch. Tính chung 9 tháng đầu năm, tỷ trọng doanh thu dịch vụ chiếm 10-12% tổng doanh thu các ngân hàng, điển hình như MSB (32%), STB (18%),VIB (17%), TCB (16%).
"Chúng tôi đánh giá triển vọng gia tăng nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng còn rất tích cực do nguồn đóng góp chính là mảng kinh doanh bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp", báo cáo của Agricose cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, NIM toàn ngành được nhận định sẽ đi ngang trong bối cảnh các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Nợ xấu trong tầm kiểm soát
Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán Agriseco, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý 3 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai như NVB (+458%), ACB, HDB, PGB và STB tăng trên 100% và chỉ có 3 ngân hàng giảm là: OCB (-51,6%), NAB (-41,6%),VAB (-0,6%).
"Rủi ro nợ xấu mặc dù hiện hữu nhưng không quá lo ngại do các ngân hàng đã đẩy mạnh chủ động trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục đồng thời thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu", Agriseco nhận định.
Theo tính toán của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán MBKE, trong kịch bản xấu nhất, ngay cả khi tất cả nợ tái cơ cấu đều trở thành nợ xấu thì rủi ro của ngành ngân hàng cũng không như giai đoạn 2012-2014. "Trên thực tế, khi nền kinh tế phục hồi, hầu hết các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ đủ tiêu chuẩn", MBKE nhận định.
Kế hoạch tăng vốn
Nhiều ngân hàng đang đặt ra các kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu, như VCB dự tính tăng khoảng hơn 13.000 tỷ đồng bằng các hình thức khác; BID là hơn 8.000 tỷ đồng...
Điều này sẽ tạo nên các nguồn lực mạnh mẽ cho các ngân hàng trong việc được NHNN xem xét cấp roomtín dụng, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn BaselII và tiến đến Basel III. Những thông tin về tăng vốn sẽ giúp cổ phiếu các ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đang tương đối hấp dẫn sau 3 tháng điều chỉnh, với P/E hiện tại là 13,02 lần, khá rẻ nếu so với mặt bằng giá trong khu vực, việc đầu tư nhóm ngành này vẫn nằm trong sự khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
"Trong trung và dài hạn, chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình và là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ: (1) quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư; (2) quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược", Agriseco cho biết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhận định: "Khả năng nhóm ngân hàng sẽ tăng trở lại là khá cao bằng những câu chuyện riêng như thoái vốn, thực hiện tăng vốn để tăng room tín dụng, lợi nhuận tốt so với đa số doanh nghiệp trong nền kinh tế… hứa hẹn sẽ có những đợt sóng khi kinh tế hồi phục".