Nhóm ngân hàng khẳng định vị trí 'Leader'
(DNTO) - Dòng tiền lại nóng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, tựa như "chưa bao giờ có cuộc chia ly", khi mà chỉ vài tuần trước đây, nhóm này rơi vào đà giảm.
Suốt thời gian dài vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã không còn hấp dẫn với những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, bởi mức tăng chậm, lình xình, trong khi đó thị trường liên tục lập những đỉnh kỷ lục mới và phần lớn các nhóm ngành đều tăng tốc mạnh.
Đơn cử như tuần 8 -12/11, khi VN-Index chạm mốc kỷ lục so với trước đây là 1.473 điểm, thanh khoản dồi dào thì trong 27 cổ phiếu ngân hàng, chỉ có 7 cổ phiếu tăng giá, 2 mã đứng giá tham chiếu và còn lại đều giảm. Sự yếu thế của nhóm ngành này chỉ mới có dấu hiệu kết thúc trong 5 phiên giao dịch gần đây.
Đặc biệt trong phiên hôm nay, 24/11, nhóm ngân hàng chính thức giành lại vị trí Leader khi ghi nhận mức tăng gần 5% và là nhóm ngành có mức tăng cao nhất, trợ lực đẩy VN-Index bật tăng mạnh mẽ, đánh dấu kỷ lục mới 1.488 điểm.
Có tới 5 mã ngân hàng tăng kịch trần trong phiên với mức tăng gần 7% trong phiên như MBB tăng 6,92%; STB tăng 6,84%; SSB tăng 6,9%; VIB tăng 6,92%...
Được hưởng lợi từ đà tăng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng. Cổ phiếu OCB từ mức giá 26.300 đồng/cp ngày 18/11 thì chốt phiên hôm nay chạm mốc 29.950 đồng/cp, tăng 6,9% so với ngày hôm qua.
TPB từ mức giá 43.500 đồng/cp trong ngày 19/11 đã kết phiên tại 49.100 đồng/cp, tăng gần 13% chỉ trong 4 phiên liên tiếp.
HDB từ 28.250 đồng/cp ngày 18/11 thì hôm nay đã đạt mốc 33.500 đồng/p, tăng hơn 5% so với ngày hôm qua.
Sau giai đoạn điều chỉnh, nhóm ngân hàng đang từng bước tìm lại chính mình. Những lo lắng về nợ xấu, lạm phát... dường như không còn là "bóng ma" ám ảnh nhóm cổ phiếu này. Đà tăng mạnh mẽ của nhóm này có lẽ sẽ khiến không ít nhà đầu tư tiếc nuối khi bỏ rơi nó vào giai đoạn điều chỉnh vừa qua.
Rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như đồn đoán
Theo nhiều chuyên gia, nợ xấu sẽ không còn là gánh nặng với ngành ngân hàng như các phương tiện truyền thông đưa tin khi nền kinh tế hồi phục trở lại. Theo tính toán của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán MBKE, trong cả kịch bản xấu nhất, ngay cả khi tất cả nợ tái cơ cấu đều trở thành nợ xấu thì rủi ro của ngành ngân hàng cũng không như giai đoạn 2012-2014.
"Trên thực tế, khi nền kinh tế phục hồi,hầu hết các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ đủ tiêu chuẩn", MBKE nhận định khi cho rằng, khoản phí suất tín dụng sẽ giảm từ quý 2/2022 sẽ là động lực chính giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh.
Nhiều yếu tố tích cực vẫn đang hỗ trợ ngành ngân hàng như cầu tín dụng sẽ tăng sau giai đoạn dịch bệnh; thu nhập từ phí các ngân hàng tăng mạnh (30-40%), NIM ổn định... Thời gian qua, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, nhiều ngân hàng này duy trì tỷ lệ ROE rất cao ở mức 18-25% như VCB, TCB, MBB và MSB. Các kế hoạch tăng vốn cũng sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, định giá của cố phiếu ngân hàng hiện tại vẫn đang tương đối thấp. Theo MBKE, nếu dự phóng P/B của nhóm ngân hàng trong năm nay là 1,8x và trong năm 2022 là 1,5x thì đây vẫn là mức thấp so với ROE hiện tại của các ngân hàng, trung bình là 18,5%. Ngoài ra, hiện tại các ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức giá trung bình 5 năm, nhưng ROE đã cải thiện rõ rệt so với mức cao nhất trong giai đoạn này.
Thị trường cần nhận ra rằng: các ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khả năng sinh lời mạnh mẽ; rủi ro nợ xấu không nghiêm trọng như những nhận định trước đó và định giá của các ngân hàng đã trở nên rẻ hơn so với các ngành khác, đó cũng sẽ thời điểm dòng tiền sẽ hồi phục với nhóm cổ phiếu này. Thời điểm được cho là hồi phục mạnh nhất của nhóm ngành là quý 1 sang năm, chứng khoán MBKE nhận định.