Cổ phiếu bất động sản: Muôn màu trong 'làn sóng' giảm sàn?
(DNTO) - Trong khi nhiều mã bắt đầu ngược dòng tăng trở lại thì nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn khó thoát cảnh giá sàn dù đã có tới hàng chục triệu cổ phiếu được giải cứu trong phiên.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục giảm sâu nhất trên sàn chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay, 22/11, với mức giảm trên 2,9%. Làn sóng giảm giá khốc liệt đến với nhóm này từ đầu tháng 11 đến nay và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Một dấu hiệu tích cực có thể nhận thấy là mặc dù trong bối cảnh thị trường đi xuống, tỷ lệ giảm điểm của toàn nhóm chưa có gì khởi sắc, nhưng nhiều mã bất động sản bất ngờ quay đầu tăng điểm mạnh.
Ngược dòng để "kịch trần"
Mã L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 đã có năm phiên tăng kịch trần liên tiếp từ ngày 16/11 đến nay, đưa giá L14 tăng hơn 60% từ 18.300 đồng/cp lên 29.300 đồng/cp trong phiên hôm nay.
Mã API của Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương cũng liên tiếp 5 phiên giữ thế tăng kịch trần, đưa thị giá của mã này tăng hơn 55%, chốt phiên tại 8.400 đồng/cp.
Sau 4 phiên giảm kịch sàn liên tiếp, mã TCH của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy cũng tăng kịch trần 5 phiên liên tục, tăng gần 40%, kết phiên hôm nay tại 7.960 đồng/cp và trong tình trạng trắng sàn dư bán.
DXG của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh cũng có 3 phiên tăng trần liên tiếp. Tổng cộng 5 phiên tăng điểm gần nhất đã lấy lại cho DXG 33%, đóng cửa phiên hôm nay tại 5.740 đồng/cp. Mã VRG của Công ty Bất động sản và Đầu tư VRC cũng tương tự khi tăng gần 30% trong năm phiên giao dịch vừa qua.
Việc nhiều cổ phiếu trong nhóm vẫn nhanh chóng lấy lại đà tăng tương đối tốt đang thể hiện sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong nhóm cổ phiếu này.
Lực đỡ mạnh vẫn "giá sàn"
Ngược với tình trạng trên, nhiều mã cổ phiếu bất động sản dù đã có "lực đỡ" mạnh nhưng vẫn khó thoát khỏi cảnh giá sàn kéo dài nhiều ngày qua.
Vào phiên sáng, cùng lúc có tới 62 triệu mã NVL của Công ty Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va bất ngờ được khớp lệnh. Lực đỡ quá mạnh đã đưa giá NVL tăng vọt lên 28.250 đồng/cp. Mặc dù vậy, cuối phiên NVL vẫn giảm 6,9%. Phiên hôm nay cũng ghi nhận 128 triệu cổ phiếu NVL được khớp lệnh, con số cao trong lịch sử của mã cổ phiếu này, đưa NVL dẫn đầu trên thị trường về khối lượng khớp lệnh trong phiên.
Tương tự, cuối phiên sáng, mã PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt có tới 16 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, kết phiên tổng cộng có tới 34 triệu PDR được trao tay. Mặc dù vậy, lực đỡ vẫn không thấm tháp gì. Ám ảnh giá sàn tiếp tục đè nặng lên PDR tổng cộng đã 13 phiên và dường như chưa có tín hiệu thay đổi tích cực nào.
Chờ đợi sự thay đổi?
Nhìn chung bức tranh của nhóm cổ phiếu bất động sản dường như đang không mấy xán lạn. Kể từ đầu tháng đến nay, đà giảm của nhóm này chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đó nhiều yếu tố đang trở thành lực cản với nhóm cổ phiếu này.
Theo phân tích từ ông Michael Kokalari, CFA Chuyên gia Kinh tế trưởng Vinacapital trong báo cáo mới nhất cho rằng, việc “thắt chặt tín dụng” chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản đang là nguyên nhân ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu này nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Vấn đề được chuyên gia của Vinacapital đặt ra là "giá cổ phiếu bất động sản có lẽ sẽ phục hồi khi và chỉ khi Chính phủ có các hành động nới lỏng các điều kiện tín dụng bất động sản". Và cũng theo nhận định của ông, thị trường gần đây đã phát ra những tín hiệu sớm về những việc nới lỏng này, khiến giá cổ phiếu tăng trở lại.
"Và về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn lành mạnh (trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc), bất chấp phải đối mặt với các vấn đề thanh khoản trước mắt", Vinacapital cho biết.
Và theo nhiều chuyên gia, với giá giảm sâu như hiện nay, cổ phiếu bất động sản lại đang tạo cơ hội mua tốt cho các nhà đầu tư.