Cổ phiếu 'bất bại' FPT: Cơ hội còn nhiều?
(DNTO) - Xu hướng tăng liên tục được duy trì giúp FPT liên tục lập đỉnh mới và được xem là cổ phiếu "bất bại" trên thị trường chứng khoán, dù vậy chuyên gia vẫn chỉ ra nhiều rủi ro về mặt định giá với cổ phiếu này.
Thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận việc cổ phiếu của công ty Nvidia bất ngờ tăng mạnh 3,5% thị giá trong phiên 18/6, đưa giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này vượt mặt "ông lớn" trong ngành công nghệ là Microsoft. Sự hưng phấn của nhà đầu tư với cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giúp cổ phiếu này đã tăng hơn 200% trong một năm qua.
Sự hưng phấn này có dấu hiệu lan ra thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng điểm mạnh nhất thị trường với mức tăng trung bình gần 2,5%, trong đó cổ phiếu FPT của Công ty FPT tăng mạnh 2,7% chạm mốc 131.500 đồng/cp. Theo đó, giá trị vốn hoá của doanh nghiệp đạt trên 167 ngàn tỷ đồng, thuộc Top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước.
Tính từ đầu năm tới nay, FPT đã tăng mạnh gần 60% và trong một năm qua đã tăng trên 111%, xu thế tăng liên tục được duy trì và có lẽ chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo kỳ vọng của nhà đầu tư, cổ phiếu công nghệ đang có đà tăng tốt, bất chấp sức ép lớn đến từ lực bán của khối ngoại khi xu hướng bán ròng đang chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam. Một tháng qua, cổ phiếu FPT bị khối này bán mạnh nhất với tổng giá trị bán ròng lên tới 2,7 ngàn tỷ đồng. Riêng phiên hôm nay, FPT vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách bán của nhà đầu tư ngoại với giá trị bán ròng gần 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này được cho không làm khó với cổ phiếu này.
Khả năng đạt khoảng 166.000 đồng/cp?
Theo phương pháp phân tích của Yuanta, công ty này cho biết họ nâng giá mục tiêu của cổ phiếu FPT lên mức 166.359 đồng/cp, tăng 26% so với hiện tại, tương đương hiệu suất đầu tư 12 tháng là 27,6%. Theo đó, công ty này cũng đưa ý kiến dự báo về doanh thu năm 2024 của FPT sẽ đạt khoảng 66,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước, trong đó nhấn mạnh doanh thu đến từ mảng công nghệ và giáo dục.
Lợi nhuận ròng bình quân giai đoạn 2024-2028 cũng sẽ tăng ở mức 28,8% tăng so với mức dự báo 27,2% trước đó của công ty này, dựa vào các phân tích như chi tiêu về công nghệ thông tin trên thế giới đang tăng tốc, việc mở rộng năng lực doanh nghiệp qua các thương vụ M&A, hay sự kỳ vọng từ hợp tác cùng Nvidia...
Dù việc tăng giá của các cổ phiếu công nghệ nói chung và FPT nói riêng đang được cho là xu hướng, nhưng các chuyên gia cũng đề cập đến một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến định giá của FPT.
Trước hết, rủi ro đến từ việc suy thoái kinh tế có thể dẫn đến khả năng cắt giảm chi tiêu đối với mảng công nghệ thông tin. Thêm vào đó, biến động tỷ giá những tháng đầu năm có thể ảnh hưởng phần nào đến từ hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
"Tuy nhiên, đây không phải là rủi ro hệ thống và rủi ro tỷ giá chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ bảng cân đối kế toán của FPT do các khoản vay bằng đồng USD chỉ có giá trị nhỏ và đã được bảo hiểm", Yuanta giải thích.
Ngoài ra, FPT có thể còn phải đối mặt với sự sụt giảm mảng doanh thu giáo dục do những khó khăn tiềm ẩn từ việc mua lại đủ quỹ đất để xây trường, cạnh tranh từ những đối thủ...
Đặc biệt, rủi ro về nguồn nhân lực là điều cần tính đến, một thách thức quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong bối cảnh phát triển hiện nay. Các chuyên gia kỳ vọng FPT có thể vượt qua khó khăn này nhờ việc mở rộng mảng kinh doanh giáo dục, qua đó đảm bảo nguồn cung nhân lực, đáp ứng được nhu cầu mở rộng và phát triển của doanh nghiệp.