Cổ đông chiến lược ‘cho không’ quyền mua ưu đãi cổ phiếu Vietnam Airline
(DNTO) - Cổ đông nắm giữ 8,77% vốn điều lệ của Vietnam Airline đã "tặng" toàn bộ hơn 124 triệu quyền mua ưu đãi cổ phiếu cho nhân viên của hãng, tương đương với hơn 70 triệu cổ phiếu HVN, với giá 0 đồng.
Năm 2016, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holding Inc. (ANA) mua 8,771% cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) trị giá 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu đô la Mỹ), chính thức trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, ANA đang sở hữu hơn 124 triệu cổ phiếu HVN.
Tuy nhiên, dưới tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, hai năm vừa qua, không chỉ ANA mà cả Vietnam Airlines đều lần lượt rơi vào cơn nguy khốn. Chính phủ Việt Nam đã thông qua phương án dành gói hỗ trợ tổng trị giá 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, trong đó 4.000 tỷ dưới hình thức tái cấp vốn và 8.000 tỷ thông qua phương thức phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%, mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Điều này có nghĩa ANA được quyền ưu đãi mua hơn 70 triệu cổ phiếu HVN với mức giá khoảng 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất gửi các cơ quan chứng khoán tại Việt Nam, vào ngày 6/8, ANA cho biết, hãng quyết định để lại quyền ưu đãi mua HVN cho toàn bộ “người lao động của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines mà không yêu cầu bất kỳ một nghĩa vụ tài chính nào". Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 9/8/2021 đến ngày 7/9/2021.
Như vậy, người lao động của Vietnam Airlines Group đều nhận được thêm ưu đãi này. Cụ thể, cán bộ nhân viên có hệ số phân bổ là 1, mỗi người được dự kiến mua tối đa 5.737 cổ phiếu, tương đương trị giá hơn 57 triệu; tiếp viên ALS (lao động thời vụ ký hợp đồng qua Công ty Alsimexco) có hệ số phân bổ là 0,5, tương ứng lượng mua tối đa 2.868 cổ phiếu, tương đương gần 29 triệu.
Có thể nói, với động thái trên, ANA đã chấp nhận pha loãng tỷ lệ sở hữu của mình tại Vietnam Airlines, từ 8,77% xuống còn 5,6%. Điều này diễn ra trong bối cảnh hãng hàng không lớn của Nhật Bản đang trải qua một quý kinh doanh bết bát, thua lỗ nặng nề. Báo cáo tài chính quý 2 của ANA Holdings cho biết, lỗ ròng của tập đoàn trong quý là 51 tỉ Yên, tương đương khoảng 470 triệu đôla Mỹ. Con số này đã giảm một nửa so với khoản lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, HVN cũng không hơn gì. Hiện tại, tập đoàn chưa thể công bố báo cáo tài chính quý 2, tuy nhiên theo dự đoán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 6, HVN có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.