Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: 'Giải phóng' thể chế nhưng tránh lợi dụng để hợp thức hoá sai phạm'
(DNTO) - Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là cấp thiết để tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế, tạo bệ phóng lớn hơn, mạnh hơn thúc đẩy "đầu tàu" kinh tế của cả nước bứt phá. Song tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện...
Ngày 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Các ĐBQH cho rằng, để gỡ vướng về thể chế, phát huy tiềm năng, khắc phục "sức ỳ" trong thực hiện các định hướng, TP.HCM rất cần những cơ chế, chính sách thí điểm "đột phá", "vượt trội" hơn nữa
Ông Huỳnh Thành Chung, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54, nghị quyết mới nên tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.
Cụ thể, TP.HCM cần quan tâm đến nhóm chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng trên quỹ đất, quy hoạch chung của TP.HCM. Đây là nền tảng để tạo ra không gian kích thích các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào TP.HCM..., nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, thành phố sẽ đạt được cả trăm nghìn tỷ đồng.
"Để bảo đảm tính "đi trước, vượt trội", cần vận dụng lý thuyết về khung thể chế thử nghiệm (regulatory sandbox), và bảo đảm tính mở trong xây dựng nội dung cũng như các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành....", ông Chung nói.
Nêu quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề cốt lõi đối với TP.HCM hiện nay là cần nâng cao năng lực chuyên môn những người đang làm việc trong bộ máy của Thành phố để phát huy hết khả năng của họ, cũng như tạo điều kiện, cơ hội để họ phát huy tính năng động, sáng tạo, đóng góp tối đa năng lực cho sự phát triển của TP.HCM. Muốn vậy, điều quan trọng là cần có cơ chế chính sách đãi ngộ tương xứng, nhất là chính sách về tiền lương dành cho các đối tượng này.
Đặc biệt, trong Dự thảo lần này, để thu hút đầu tư cho các dự án, nhiều ý kiến đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã bị "xoá sổ" từ năm 2018. Đồng thời, thành phố xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá, quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, song cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. “Tuyệt đối không lợi dụng xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm”
Vì vậy, ông Mạnh cũng yêu cầu, đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm, song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về tính bao quát, hợp lý của chính sách, ông Mạnh cho rằng, Dự thảo tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách. Tuy nhiên, các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi Thành phố có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu.
“Vì vậy, về lâu dài, đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách”, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị.
Ngoài ra, ông Mạnh cũng đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. “Mặc dù rất cần một cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, song tránh tạo chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa người lao động”, ông Mạnh giải trình.
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ sự lo ngại, Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân, theo đó, đề nghị bổ sung các quy định đảm bảo đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Liên quan đến đề xuất một số chính sách mới tương thích với các luật đang sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm rõ, nhiều nội dung ở các dự thảo này còn ý kiến khác nhau nên đề nghị Chính phủ bám sát để đảm bảo dù Nghị quyết này hoàn toàn có thể quy định khác với các luật đó, song vẫn phải bảo đảm khả thi, hợp lý.