Chứng khoán đảo chiều sau biên bản cuộc họp của Fed được công bố
(DNTO) - Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đóng cửa ở mức thấp, sau khi các nhà đầu tư xem xét một loạt báo cáo thu nhập từ các nhà bán lẻ và nghiên cứu các tín hiệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), về các động thái điều chỉnh lãi suất trong tương lai.
Cổ phiếu đã phục hồi một số điểm đã mất vào giữa phiên giao dịch buổi chiều ngay sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7, nhưng lại nối đuôi nhau giảm đến kết thúc phiên giao dịch. S&P 500 giảm 31,16 điểm, tương đương 0,7% xuống 4274,04. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 171,69, tương đương 0,5%, xuống 33980,32. Nasdaq Composite giảm 164,43, tương đương 1,3%, xuống 12938,12. Các nhà đầu tư tìm kiếm manh mối từ ngân hàng trung ương về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Cổ phiếu đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, khi các nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về lạm phát cao dai dẳng, lãi suất tăng và suy thoái kinh tế đang kéo dài. Ngay cả sau sự sụt giảm hôm thứ Tư (17/8), S&P vẫn tăng 17% so với mức thấp nhất trong tháng 6 do các nhà đầu tư đã cải tổ lại danh mục đầu tư và nỗ lực bù đắp lại khoản lỗ trước đó.
Một số báo cáo thu nhập bền vững, đồng thời dữ liệu công bố tuần trước cho thấy lạm phát của Hoa Kỳ giảm bớt đã thúc đẩy sự lạc quan. Cổ phiếu Lowe đã tăng 1,25 USD, tương đương 0,6%, lên 215,37 USD vào thứ Tư sau khi công ty bán lẻ đồ điện tử gia dụng báo cáo thu nhập hàng quý cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, saubáo cáo tài chính hôm thứ Ba từ Walmart và Home Depot. Dữ liệu mới về doanh số bán lẻ chỉ ra rằng - loại trừ tác động của giá xăng dầu giảm, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng tăng trong tháng trước, một dấu hiệu của khả năng phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang vật lộn với việc liệu đợt tăng gần đây của thị trường chứng khoán là kết thúc chuỗi ảm đạm của nửa đầu năm hay sẽ tiếp tục đi xuống. Với lạm phát vẫn là một mối lo quan trọng, Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng các nhà đầu tư đang băn khoăn không biết tốc độ và thời gian thế nào. Các nhà giao dịch đã bị mắc kẹt giữa các bình luận từ các quan chức Fed, những người dự báo lãi suất tăng mạnh với các dự báo dựa trên thị trường cho rằng ngân hàng trung ương sẽ làm chậm hoặc đảo ngược việc tăng lãi suất.
Các biên bản từ cuộc họp tháng 7 được công bố hôm thứ Tư cho thấy Fed vẫn quyết tâm kiểm soát lạm phát. Nhưng trong ghi chú, các chủ ngân hàng trung ương cũng thảo luận về rủi ro về khả năng tăng chi phí đi vay hơn mức cần thiết, gây ra sự suy yếu không đáng có cho nền kinh tế. Lợi tức trái phiếu chính phủ, nhạy cảm với chính sách dự kiến của Fed, đã từ bỏ một số mức tăng trong ngày do tác động bởi tin tức.
Lợi tức đã tăng trong những phiên gần đây, một dấu hiệu cho thấy nhiều nhà giao dịch đang chú ý đến các dự báo thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương. Chris Verrone, một đối tác của công ty nghiên cứu Strategas, cho biết lợi suất cao hơn là lý do để nghi ngờ sức bền của thị trường chứng khoán.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn ở mức 2,894%, cao hơn khoảng 0,3 điểm phần trăm kể từ đầu tháng 8. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm vẫn cao hơn, tăng lên 3,293%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức thấp gần đây vào tuần cuối cùng của tháng Bảy. Điều đó duy trì một mô hình được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, một tín hiệu thị trường trái phiếu được coi là một yếu tố dự báo suy thoái. Lợi tức tăng khi giá trái phiếu giảm.
Lãi suất cao hơn làm giảm giá trị mà nhiều mô hình của nhà đầu tư gán cho giá cổ phiếu, vì vậy bất kỳ dấu hiệu mạnh mẽ nào từ Fed đều có thể tạm dừng đà tăng gần đây của thị trường chứng khoán. Và nhiều nhà quản lý tiền tệ đang lo lắng rằng nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Alessio de Longis, người đứng đầu phân bổ tài sản chiến thuật tại công ty quản lý tài sản Invesco, nói rằng các quỹ mà ông giám sát đã chuyển sang định vị thận trọng hơn trong những tuần gần đây - tránh xa cổ phiếu, ủng hộ trái phiếu và ưu tiên các lĩnh vực “phòng thủ” hơn là cổ phiếu chu kỳ.
Báo cáo thu nhập từ Target hôm thứ Tư đã cho thấy một bức tranh không mấy tốt đẹp về người tiêu dùng Mỹ. Lợi nhuận giảm mạnh và công ty cho biết khách hàng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, doanh thu vẫn tăng nhờ doanh số bán thực phẩm và đồ uống, đồ làm đẹp và đồ gia dụng tăng mạnh và nhiều lượt người mua sắm hơn. Cổ phiếu Target đã giảm 4,85 USD, tương đương 2,7%, xuống còn 175,34 USD.
Cổ phiếu của Bed Bath & Beyond tăng 2,43 USD, tương đương 12%, lên 23,08 USD trong giao dịch biến động. Các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đổ vào cổ phiếu, hy vọng sẽ đẩy cổ phiếu lên cao hơn nữa.
Đối với hàng hóa, giá dầu dao động giữa tăng và giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục đeo bám các nhà đầu tư. Dầu thô Brent, chuẩn dầu quốc tế, tăng 1,4% lên 93,65 USD/thùng, sau một vài ngày giảm.
Ở châu Âu, Stoxx Europe 600 xuyên lục địa mất 0,9%. Tại Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết hôm thứ Tư rằng giá tiêu dùng trong tháng Bảy cao hơn 10,1% so với năm trước, tăng từ mức 9,4% trong tháng Sáu. Các nhà đầu tư đã bán trái phiếu chính phủ của Vương quốc Anh, phản ánh kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Tại châu Á, chứng khoán tăng cao hơn. Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,5%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,4% và Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,2%.