Chợ truyền thống cần thay cho mình bộ mặt mới
(DNTO) - Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… và sàn giao dịch thương mại điện tử ra đời đã khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp là nỗi lo của các tiểu thương. Làm sao để chợ truyền thống vẫn giữ được “chỗ đứng” trong thời đại công nghiệp 4.0?
Dịp nghỉ lễ, về quê, chưa đến 8 giờ sáng, tôi xách giỏ ra chợ. Chợ quê đã thưa thớt người, không như những năm trước. Mấy bà bạn hàng chợ nói vui: Chợ mình đổi tên thành chợ “Mù sương” rồi cô, mù sương vừa tan là chợ cũng tan theo. Câu nói có vẻ hài hước nhưng giọng nói của chị bạn hàng phảng phất nỗi lo âu: Lo chợ truyền thống sẽ bị mai một.
Chợ truyền thống
Ai cũng biết chợ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa xuất hiện đã rất lâu đời. Ở đâu có dân, ở đó có chợ. Từ những cái chợ chồm hổm bên lề đường đến những ngôi chợ hoành tráng buôn bán thượng vàng hạ cám.Từ ngày có nhiều loại hình mua bán ra đời bản chất tương tự như chợ thì chợ được gắn thêm hai chữ “truyền thống” để phân biệt.
Sự tương tác giữa người bán và người mua ở chợ truyền thống là sự tiếp xúc trao đổi trực tiếp. Không chỉ thuận mua vừa bán, đó còn là sự gặp gỡ giao lưu, tâm tình. Thậm chí họ còn biến chợ thành một “trung tâm tin tức, thời sự” của ngõ xóm, làng xã, khu phố… Người ta tới mua hàng không chỉ vì giá cả chất lượng hàng hóa mà còn vì chị bán hàng có vui vẻ, cởi mở, có chiều khách, đặc biệt là có “nhiều câu chuyện kể” hay không.
Ở chợ, người ta được nghe tiếng mời chào chèo kéo, tiếng rao hàng dần lân rất thú vị. Ở chợ, người ta được cò kè bớt một thêm hai, xin thêm cộng hành trái ớt, về tâm lý thấy thoải mái, dễ chịu. Với nhiều người, chợ gắn liền với khung trời tuổi thơ, với cuộc đời làm “nội tướng”… Chợ trở thành ký ức mang theo cả đời người.
Cũng vì ở đâu có người ở đó có chợ nên phạm vi kinh doanh của chợ truyền thống thường được giới hạn trong một khu vực, phục vụ chủ yếu cho người dân tại địa phương đó. Vì thế, mỗi chợ có một đời sống văn hóa vùng miền đặc sắc, ấn tượng rất riêng. Nét đẹp văn hóa ấy được nâng lên thành văn hóa chợ. Ở phạm trù nghệ thuật, chợ còn là nguồn cảm hứng bất tận của nhạc, họa, thơ, ca.
Chợ tầm cao (siêu thị)
Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, vai trò vị trí của người phụ nữ cũng thay đổi theo. Họ không thể dành toàn thời gian cho công việc nội trợ như phụ nữ thế hệ trước. Sự ra đời của siêu thị, cửa hàng tiện lợi tỏ ra hiệu quả, phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn.
Tuy giá cả một số mặt hàng có cao hơn chợ truyền thống nhưng bù lại được niêm yết cụ thể tránh tình trạng “nói thách”, mua lầm giá. Khách hàng được yên tâm hơn về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa; Ít lo lắng về hàng giả, hàng nhái, cân thiếu… Không gặp tình trạng cãi vã với bạn hàng.
Đi siêu thị không lo tan chợ, không ngại mưa nắng, nóng bức… nhất là tình trạng mất vệ sinh ở khu chợ cá hoặc các hàng rau củ bày bán trên chỗ sình lầy, nước đọng. Siêu thị còn hấp dẫn khách hàng ở các chương trình tích điểm, khuyến mãi…
Chợ online (mua hàng trực tuyến)
Một trong những giải pháp quan trọng trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực thương mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần số hóa và phát triển nền kinh tế… thì hình thức mua bán online và sự ra đời của sàn thương mại điện tử là tất yếu. Nó đáp ứng một cách tối ưu cho sự thay đổi cách con người ta sống, làm việc và mua sắm thời hiện đại.
Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tạo nên một “cú hích thúc đẩy”. Việc hàng trăm ngôi chợ lớn nhỏ bị giăng dây, đóng cửa; Người dân không được ra đường. Tất cả việc mua bán đều diễn ra trên không gian mạng. Hàng hóa giao đến tận nơi, kể cả siêu thị... đã tạo ra bước ngoặt khiến người dân dễ dàng chấp nhận, nhanh chóng thuần thục và trở thành thói quen với hình thức “đi chợ 4.0” này.
Đi chợ trực tuyến được người dân ưa chuộng trước hết là do tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại; Việc mua bán có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chỉ cần ngồi một chỗ là có thể chọn hàng, đặt hàng, nhận hàng cũng như trả tiền. Hình thức trả tiền cũng rất đa dạng: Có thể trả tiền mặt trực tiếp cho người giao hàng, trả bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản v.v.. . Việc không sử dụng tiền mặt và được nhận hàng tại nơi yêu cầu là ưu điểm hấp dẫn của loại hình mua bán này.
Đồng thời với các tiện lợi sẵn có, việc chấp nhận khách hàng kiểm tra, không đồng ý có quyền không nhận hàng, là một bước cải tiến quan trọng cộng thêm, đã khiến hình thức đi chợ trực tuyến ngày càng được người dân sử dụng như một hình thức mua sắm chủ yếu.
Cần sắm cho chợ truyền thống một bộ mặt mới
Buôn bán ế ẩm, người đi chợ lưa thưa, quang cảnh vắng vẻ, đìu hiu… là tình trạng phổ biến hiện nay của chợ truyền thống, kể cả những ngôi chợ lâu đời, nhất là ở các đô thị lớn. Tình cảnh lao đao là nỗi lo rất lớn của các tiểu thương nơi kẻ chợ.
Theo đà phát triển và xu thế của người dân trong việc mua bán trao đổi hàng hóa ở thời đại công nghệ 4.0, việc duy trì khung cảnh lũ lượt, tấp nập, đông vui như ngày xưa của chợ truyền thống là không thể. Nhưng để phù hợp thời đại và có thể duy trì chợ truyền thống, chúng ta cần sắm cho nó một bộ mặt mới.
Cần nâng cấp, tạo môi trường chợ cao ráo, thoáng đãng, sạch sẽ hơn. Bỏ những thói quen xấu bị xã hội định kiến từ lâu đời như nói thách, cân thiếu, độn hàng, bán hàng gian hàng giả; Thái độ, lời nói cần văn minh trong giao tiếp với khách hàng… Lấy cạnh tranh giá cả và chất lượng làm tiêu chí kinh doanh.
Đặc biệt, xem hình thức thanh toán không tiền mặt là một bước đột phá của chợ truyền thống. Tất nhiên ban đầu, cả người bán và người mua sẽ còn bỡ ngỡ vì chưa quen thậm chí không thoải mái. Nhưng lâu dần sẽ nhận ra lợi ích tích cực của hình thức trả tiền này và sẽ quen dần.