Chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi nửa cuối 2023
(DNTO) - Giới phân tích nhận định, dấu hiệu thị trường tăng nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, đồng thời kỳ vọng kết quả tươi sáng cho các công ty chứng khoán trong nửa cuối 2023, nhờ dòng tiền mạnh đổ vào thị trường và hoạt động cho vay bùng nổ trở lại.
Khối phân tích của VNDirect, cho rằng ngành chứng khoán Việt Nam là một trong những ngành đầu tư hấp dẫn nhất với tính thâm nhập thấp và thu nhập gia tăng. Lĩnh vực tiềm năng nhờ dân số và thu nhập khả dụng ngày càng tăng. Xét quanh khu vực, giới phân tích nhận thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nhà đầu tư trên toàn dân số ở Việt Nam chỉ xấp xỉ 7,0%, thấp hơn so với mức 7,5% ở Thái Lan (đã loại bỏ các nhà đầu tư không hoạt động) và mức 12,5% tại Malaysia. Ngoài ra, thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, cho thấy nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tài chính cũng như nguồn thu của các công ty môi giới.
Dấu hiệu tích cực từ dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán
Bắt đầu từ cuối quý 2/2023, các chuyên gia đã thấy các dấu hiệu tích cực từ dòng vốn vào thị trường chứng khoán. Tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61 nghìn tỷ đồng, giảm 36% so với mức đỉnh cuối quý 1/2022, nhưng tăng nhẹ 3,2% so với quý trước.
Khối lượng giao dịch trung bình đang tăng lên. Khối phân tích tin rằng dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh tài sản khác bao gồm thị trường chứng khoán. Với mặt bằng lãi suất thấp, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán khi chi phi cơ hội giảm. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.
Do đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng đã tăng lên kể từ tháng 4/2023. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên 3 sàn chính đạt xấp xỉ 16 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2023, vẫn giảm 20,7% so với cùng kỳ nhưng tăng 27,2% so với quý trước. Tính theo tháng, thanh khoản thị trường có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi tăng mạnh 5 tháng liên tiếp sau đợt cắt giảm lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN vào tháng 3/2023. Sự gia tăng mạnh mẽ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước, khi giá trị giao dịch hàng ngày của họ chiếm 85% tổng giá trị trong quý 2/2023, so với mức 80% trong quý 1/2023. Ngược lại, các cá nhân và tổ chức nước ngoài đã quay trở lại trạng thái bán ròng sau khi mua ròng trong tháng 3/2023, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND sau khi NHNN chuyển sang chính sách tiền tệ mở rộng.
"Với kỳ vọng về lãi suất chính sách sẽ duy trì ở cùng mức với giai đoạn 6 tháng 2021 cho đến cuối năm 2023, chúng tôi kỳ vọng giá trị giao dịch bình quân hàng ngày sẽ đạt 20-25 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023 – cùng mức trong 6 tháng 2021", VNDirect nhận định.
Cũng theo Khối phân tích, các công ty môi giới chứng khoán có lợi thế trong mảng khách hàng cá nhân và số hóa sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Với gần 90 công ty chứng khoán trên thị trường, ngành chứng khoán đang rất phân mảnh. Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại HOSE trong quý 2/2023 bao gồm: Chứng khoán VPS (VPS); SSI; VND; Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán Mirae Asset (MAS).
Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán trong quý 2/2023, các công ty chứng khoán có lợi thế về tệp khách hàng cá nhân lớn đã có sự cải thiện về thị phần so với quý trước, cụ thể là VPS, VND và MBS. Trong khi đó, các công ty chứng khoán có tỷ trọng nhiều về nhà đầu tư tổ chức lại giảm thị phần so với quý trước, như HSC, VCI.
Mặc dù là một cái tên nổi bật trong mảng môi giới, VPS đã ghi nhận lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới trong giai đoạn 2020-2022 thấp hơn nhiều do chiến lược chi mạnh tay cho mảng môi giới, gồm phí giao dịch thấp và hoa hồng hấp dẫn cho các chuyên viên môi giới. Trong khi đó, TCBS với chiến lược tập trung vàosố hóa và mô hình hoạt động không môi giới giúp giảm thiểu chi phí trung gian cũng như tăng biên lợi nhuận mảng này.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, một số công ty cũng đã giảm phí giao dịchbằng cách thực hiện “chính sách phí 0 đồng” như SSI, VND hoặc tặng tiền mặt cho tài khoản mở mới để thu hút khách hàng mới.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán có thể tối ưu doanh thu từ tệp khách hàng bằng cách bán chéo các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu, cho vay ký quỹ, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập từ phí môi giới.
"Trước tình hình này, chúng tôi ưa thích các công ty chứng khoán có lượng kháchhàng cá nhân lớn như SSI, MBS với lợi thế cạnh tranh là tệp khách hàng cá nhân lớn để tăng thị phần trong tương lai. Bên cạnh đó, mức độ số hóa sẽ là yếu tố quyết định công ty nào sẽ có sự cải thiện lớn nhất về thị phần. Một số công ty chứng khoán đã tung ra nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ để hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư như trí tuệ nhân tạo (AI), môi giới ảo và sao chép giao dịch", Khối phân tích nêu.
Công ty nào có thể tận dụng được cơ hội từ lãi suất cho vay mới?
Trong tương lai, giới phân tích kỳ vọng tổng dư nợ cho vay ký quỹ của ngành sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán và tỷ lệ ký quỹ thấp hơn. Giá trị giao dịch trung bình trong quý 2/2023 tại ba sàn chứng khoán đã cải thiện ấn tượng 48,4% so với quý trước lên 16,5 nghìn tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ cho vay ký quỹ thấp/vốn chủ sở hữu, margin spread cao, cùng với chiến lược không tập trung mở rộng danh mục đầu tư có thể mở rộng thu nhập từ cho vay ký quỹ, bao gồm: SHS,AGR, SSI, BSI và MBS.
Ngân hàng đầu tư vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các công ty chứng khoán. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trì trệ do nhiều quy định hạn chế hơn. Sau vài năm tăng trưởng mạnh, Chính phủ đã giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với việc sửa đổi Nghị định 65 vào quý 2/2022, dẫn đến sự thu hẹp của thị trường này.
"Theo ước tính của chúng tôi, có 29 đợt phát hành mới trong 6 tháng 2023 với tổng giá trị phát hành là 19 nghìn tỷ đồng (-34,4% so với quý trước và -83,1% so với cùng kỳ). Ngành bất động sản chiếm tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý 2/2023, chiếm hơn 34,9% tổng giá trị, tiếp theo là ngành ngân hàng với 29% tổng giá trị...", Khối phân tích cho hay.