Cảnh giác lừa đảo xả hàng cuối năm
(DNTO) - Dịp cuối năm âm lịch, để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng tăng mạnh. Đây là cơ hội để các đối tượng lừa đảo “xuất chiêu” bằng nhiều hình thức tinh vi. Đặc biệt là các buổi livestream xả kho giá rẻ đua nhau nở rộ đánh vào lòng trắc ẩn, dẫn dắt khách hàng vào trận đồ bát quái.
Giá rẻ là mồi nhử của bẫy lừa
Mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười vì “mua trâu vẽ bóng” như sản phẩm nhận được không giống như quảng cáo, kém chất lượng, bị lỗi, hết hạn sử dụng, hoặc đã qua sử dụng… cũng từ đấy mà ra.
Không thể không kể đến trường hợp tiền mất tật mang. Đó là trường hợp, sau khi khách hàng chuyển khoản, không giao hàng hoặc giao hàng sai. Dùng các tài khoản livestream ảo để bán hàng rồi biến mất ngay sau khi nhận tiền…
Mặc dù về phía cửa hàng, có một số nơi quy định chính sách đổi trả, khi mua phải hàng không đúng mô tả, người tiêu dùng được gửi yêu cầu đổi trả hàng và đòi lại tiền thông qua các kênh liên lạc với người bán (nhắn tin, email, gọi điện). Thậm chí nếu mua phải hàng giả, khách có quyền yêu cầu bồi thường và bảo vệ quyền lợi của mình nếu có đầy đủ hóa đơn, biên lai hoặc các giấy tờ có liên quan. Nếu không giải quyết được trực tiếp với người bán và nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, vi phạm pháp luật, người tiêu dùng còn có thể liên hệ trình báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền…
Tuy nhiên đây là một giao dịch rất nhiêu khê và trong thực tế thường là người tiêu dùng bỏ cuộc vì không có thời gian và không đủ kiên nhẫn.
Ngày thường đã vậy, ngày giáp tết còn “nguy hiểm” hơn. Đã có rất nhiều trang mạng xã hội xuất hiện các quảng cáo lừa đảo kiểu xả hàng, xả kho cuối năm. Họ dùng các kịch bản đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng, tạo tâm lý an tâm với hàng giá rẻ không ngờ, tạo áp lực thời gian, thúc đẩy mua hàng khiến người xem lọt bẩy.
Các kịch bản diễn ra trong thời gian gần đây là chuyển đổi mặt hàng kinh doanh, công ty làm ăn thua lỗ, phá sản, bị tẩy chay hay phải rút khỏi thị trường do không cạnh tranh được…
Cá biệt có trường hợp dùng sự hỗ trợ AI, cắt ghép, dàn dựng kịch bản như là câu chuyện có thật, giả mạo nhãn hàng nổi tiếng từ đồng hồ, flycam đến nước hoa, túi xách, robot hút bụi… Cắt ghép xây dựng hình ảnh công ty, nhà xưởng bị hỏa hoạn thiêu rụi, phá sản với hình ảnh ban giám đốc trong tình cảnh “thê thảm”, kêu gọi thống thiết xin khách hàng mua giùm để có tiền trả lương tết cho công nhân và đóng cửa công ty.
Lòng trắc ẩn và giá rẻ là hai yếu tố khiến người tiêu dùng sập bẫy ngọt ngào “Giá rẻ luôn là yếu tố thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng”, Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý học Dương Quỳnh Hoa nhận định.
Người tiêu dùng cần “chậm một bước” khi quyết định mua sắm
Trước hết, để tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng cần “chậm một bước”; ưu tiên mua hàng từ các shop có thương hiệu, kiểm tra kỹ thông tin; ưu tiên tài khoản livestream có “thâm niên”, cân nhắc và so sánh giá. Nếu có thể nên chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD) để được kiểm tra sản phẩm trước khi trả tiền theo kiểu “tiền trao cháo múc” của dân gian. Đặc biệt không để tâm lý ham giá rẻ chi phối.
Cảnh giác nạn lừa đảo mua sắm trực tuyến không chỉ bảo vệ túi tiền của người tiêu dùng mà còn để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính có sản phẩm bị giả mạo.
Lừa đảo trực tuyến lộng hành hơn ngày cận tết.
Ngoài việc đề phòng lừa đảo trong mua sắm tết, bà con cũng cần cảnh giác các thủ đoạn tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến đang hoạt động ráo riết ngày cận tết.
Tại hội thảo và triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2024, chủ đề An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, tổ chức tại Hà Nội ngày 30/5/2024, các nhà quản lý và các chuyên gia an toàn thông tin ở nhiều lĩnh vực chia sẻ: “Các cuộc sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân, và ngày càng tinh vi vì có AI hỗ trợ”.
Các hình thức thường gặp nhất là kẻ xấu mạo danh công an hăm dọa, yêu cầu chuyển tiền. Mặc dù cơ quan công an cho biết chỉ làm việc với dân thông qua giấy mời, giấy triệu tập… chứ không gọi điện thoại, tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Nhưng vẫn có nhiều người bị lừa.
Thường gặp nữa là một số tài khoản Facebook lồng ghép trong các comment quảng cáo các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... nhằm lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của nạn nhân… Tương tự, kẻ lừa đảo còn giả mạo nhân viên công ty chứng khoán, điện lực, công an khu vực, cán bộ thuế, nhân viên nhà mạng… gọi tới điện thoại cá nhân của người dân để lừa đảo.
"Không cung cấp OTP, thông tin số thẻ, mã bí mật CVV/CCV dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳ ai…" Lời cảnh tỉnh tuy có cũ nhưng vẫn còn giá trị thiết thực. Mọi người cần ghi nhớ.