Cảnh báo nguy cơ 'dịch chồng dịch' ở miền Bắc khi số bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng
(DNTO) - Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) ở các tỉnh và thành phố vẫn đang gia tăng, đỉnh điểm vào 2 tháng cuối năm. Các bác sĩ và chuyên gia cảnh báo, nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra khi thời tiết miền Bắc chuyển mùa và các bệnh dịch khác như: Covid-19, adenovirus, cúm, thủy đậu... cũng đang bùng phát.
Ca bệnh sốt xuất huyết ở miền Bắc tiếp tục gia tăng
Theo thống kê của Bộ y tế, đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 258.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 102 tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 6.700 mắc SXH (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm gần 50 ổ dịch mới tại 19 quận, huyện…
Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân SXH ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12.
“Nếu trong tháng 8, số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250, con số này có thể tăng cao vào 2 tháng cuối năm. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Hiện số ca mắc SXH và các ca đang điều trị tại các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Bắc đang gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm, như: Quảng Ninh (hơn 250 ca), Hải Phòng (gần 800 ca), Hải Dương (gần 400 ca)…
Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch
Đặc điểm của SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Người bệnh có thể sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Theo TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm (thường bắt đầu vào ngày thứ 4) và giai đoạn hồi phục.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên coi thường các biện pháp dự phòng bởi SXH hiện có 4 chủng khác nhau (được ký hiệu: D1, D2, D3, D4), nên khả năng bị mắc lại bệnh là rất cao.
Hiện nay, dịch Covid-19 cũng đã bắt đầu xuất hiện thêm các biến thể mới, cùng với thời điểm giao mùa cuối thu ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi để các bệnh như: adenovirus, cúm, thủy đậu... bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Theo các chuyên gia, những triệu chứng ban đầu của SXH khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác trong thời điểm giao mùa, nên người bệnh thường dễ nhầm lẫn và tự ý đi mua thuốc để uống. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh không cải thiện và thường nhập viện trong tình trạng đã chuyển biến nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mỗi ngày, khoa Truyền nhiễm phải tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân đến thăm khám, trong đó có khoảng 1/3 có chỉ định nhập viện do có các dấu hiệu tăng nặng, chưa kể các trường hợp chuyển từ tuyến dưới lên.
ThS. BS Hà Huy Tình, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ, trong 46 bệnh nhân đang điều trị tại viện có 23 bệnh nhân có dấu hiệu tăng nặng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, chảy máu lợi, nôn ra máu, mệt mỏi, ly bì chán chường, đau đầu, chóng mặt… Đặc biệt là các bệnh nhân chuyển tuyến tiểu cầu giảm sâu, nhiều trường hợp đã có dấu hiệu xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa…
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L.
“SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian điều trị SXH tại nhà, nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi.
Bộ Y tế khuyến cáo, đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Khi có dấu hiệu bị sốt cao liên tục kéo dài, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ.