Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế: Hướng tới chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ toàn dân
(DNTO) - Chuyển đổi số đang giúp thu hẹp dần khoảng cách giữa: người bệnh, nhân viên y tế và cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này đang từng bước giúp ngành y tế Việt Nam có được đầy đủ thông tin, hướng tới mục tiêu bảo vệ, chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số tác động đến 3 vấn đề lớn của ngành y tế: Thứ nhất, cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế.
Thứ hai là tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba, tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người bệnh trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số.”
Các thủ tục hành chính, quy trình rườm rà tại bệnh viện thường bị coi là gánh nặng với người dân mỗi khi ốm đau phải đi khám chữa bệnh. Vì vậy, việc cắt giảm các thủ tục hành chính, quản lý bằng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho ngành y tế giảm tiết kiệm được không gian, thời gian, đồng thời, nắm rõ hơn về lịch sử khám chữa bệnh, các thông số về sức khỏe, từ đó đưa ra được hướng điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Mục tiêu hướng đến năm 2025, các bệnh viện có thể chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nhiều người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 tại nhà, việc hội chẩn, điều trị các ca nặng từ xa… cho thấy tác dụng to lớn của chuyển đổi số, y tế số trong việc thu hẹp khoảng cách không gian, thời gian, giảm tải áp lực cho các bệnh viện, bác sĩ, điều dưỡng tại “tâm dịch”.
Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, để đây là bệ phóng giúp ngành y tế hội nhập quốc tế, vẫn cần một chiến lược dài hơi. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu đến 2025, mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân...
Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, cả nước đã có gần 11.500 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bằng căn cước công dân gắn chíp, chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cả nước hiện có gần 27 triệu tài khoản để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID (ứng dụng Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động), trong đó có hơn 1,6 triệu lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám chữa bệnh.