Cần mạnh dạn cho học sinh vùng an toàn quay lại trường học
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, sáng 11/11, đã đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề được quan tâm trong ngành giáo dục hiện nay, trong đó có dạy và học trực tuyến, đặc biệt là thời gian cho học sinh quay lại trường học…
Trả lời đại biểu về thời gian học sinh quay lại trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành đã có kế hoạch thúc đẩy đưa học sinh trở lại trường học an toàn. Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn và định hướng. Về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp thấp như xã, phường, nơi nào đang là vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường.
Hiện nay, các tỉnh phần lớn xử lý theo quy mô cấp huyện, nhưng lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng có thể mạnh mẽ hơn, xử lý đến quy mô xã, phường.
Các trường tiểu học, mầm non thường phù hợp với quy mô địa bàn xã, phường, còn trường trung học quy mô đến cấp huyện. Do đó, nếu xã, phường thuộc vùng xanh có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện, tỉnh. Cả huyện mà vùng xanh, an toàn thì mở cửa trường trung học.
“Hôm qua, 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh dưới 12 tuổi trở xuống, trên thế giới ‘vẫn còn câu chuyện phía trước’. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, tình hình từng địa phương để xem xét đưa học sinh quay lại trường đảm bảo các điều kiện an toàn. Quan điểm của chúng tôi là vừa thực tiễn, nhưng cũng kiên quyết, mạnh mẽ xử lý nội dung công việc này", ông Sơn nói.
Tại sao điểm thi tốt nghiệp cao vẫn trượt đại học?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm qua có nhiều học sinh điểm cao vẫn không đạt nguyện vọng nào. Cụ thể, có 165 học sinh phổ thông đạt 27 điểm trở lên, cộng với điểm ưu tiên mà vẫn trượt đại học, nguyên nhân là hầu hết các học sinh này chỉ đăng ký 1 nguyện vọng vào 1 trường công an và quân đội.
Bên cạnh đó, có hiện tượng là các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, theo đó, vào mỗi nhóm còn lại rất ít chỉ tiêu, ảnh hưởng đến tổng thể xét tuyển.
Tuy nhiên Bộ trưởng Sơn cũng cho rằng, trong năm tới, bộ sẽ có điều chỉnh trong công tác xét tuyển. "Việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục đại học theo luật quy định, nhưng nằm trong chế tài cho phép. Bộ sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục đại học. Nó vừa phức tạp cho xã hội, thí sinh khó theo dõi và rủi ro cho người đăng ký", bộ trưởng nói.
Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn Ngữ văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học. Ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.
Về dạy thêm trực tuyến, bộ trưởng nêu rõ, việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.
Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09 có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp. Ông đề nghị sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.
Học sinh học môn Lịch sử chỉ mang tính đối phó
Về tình trạng điểm thi môn Lịch sử của học sinh rất thấp, học sinh học môn này chỉ mang tính đối phó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn bày tỏ: “Đây là vấn đề chúng tôi rất suy nghĩ. Vì đây là môn học quan trọng, giúp tu dưỡng, phát triển con người, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc. Đất nước ta có lịch sử rất hào hùng, có nhiều điều tự hào, tại sao học sinh không hứng thú? Có lẽ là ở tình trạng dạy và học cũng như việc kiểm tra đánh giá môn học”.
Bộ trưởng chỉ ra, việc dạy thiên về sự kiện, số liệu, chưa phát huy sự sáng tạo, cá tính của học sinh. Đánh giá thi chưa chú ý nhiều đến tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử, do đó học sinh không hứng thú, học đối phó... nên trong thời gian tới, bộ sẽ đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử.
Theo đó, dạy sẽ tăng cường tính sáng tạo của học sinh, không áp đặt cách hiểu với lịch sử. Nếu có điểm khác thì phải trao đổi, nhận thức đúng. Khi kiểm tra không đánh đố nhớ ngày tháng, địa điểm, sự kiện sự việc.