Các chợ đầu mối tại TP.HCM khẩn trương điều tiết hàng hóa
(DNTO) - Việc bùng phát dịch tại chợ đầu mối Hóc Môn - 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM đã tạo sức ép đáng kể lên chuỗi cung ứng hàng hóa. Cơ quan chức năng cùng các tiểu thương tại chợ đã tích cực, nhanh chóng triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung cho thành phố.
Chợ đầu mối Hóc Môn đã phải tạm ngừng hoạt động trong 7 ngày vì xuất hiện 19 ca nhiễm, một số ca bệnh có liên quan đến các chợ khác.
Trong thời gian đóng cửa, công ty quản lý chợ sẽ tập trung thực hiện xịt rửa chợ, phun khử khuẩn và tiến hành tiêm vaccine cho khoảng 4.000 thương nhân, cán bộ, nhân viên làm việc tại đây.
Đồng thời, thương nhân sẽ chủ động bán hàng qua điện thoại, giao trực tiếp tới khách mua hàng. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi nhiều như trước.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 25/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm liên quan chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Ông cho rằng các đơn vị cần tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng là bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên theo ngày. Riêng các chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể.
Ông yêu cầu các hộ kinh doanh thuộc những khu chợ này cần ký cam kết, tính điểm cụ thể. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, các hộ này sẽ bị buộc tạm ngừng kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, quyết định tạm đóng cửa chợ để thực hiện phòng, chống dịch của UBND huyện Hóc Môn khiến đa số thương nhân và người lao động tại chợ thở phào nhẹ nhõm.
"Nhiều ca dương tính xuất hiện tại chợ khiến bà con thấp thỏm không yên, một số thương nhân đã chủ động tạm ngưng kinh doanh 2-3 ngày nay, hoặc chuyển sang giao dịch trực tuyến" - ông Dũng thông tin.
Do đặc thù của kinh doanh chợ sỉ là hàng hóa từ nơi sản xuất được chở bằng xe tải về với số lượng lớn, thương nhân nhận hàng rồi phân bổ lại cho các mối lẻ hoặc tiếp tục gửi đi các tỉnh, thành nên chỉ có thể liên lạc chào hàng, báo số lượng với khách hàng qua điện thoại hoặc mạng xã hội nhưng vẫn cần nơi tập trung hàng để phân phối lại. Vì vậy, nhiều thương nhân đã quyết định tạm nghỉ trong thời gian chợ ngừng hoạt động.
Để giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa - đặc biệt là lương thực, thực phẩm phục vụ người dân - không bị đứt gãy trong những ngày nguồn cung tạm thời giảm sút do chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngừng hoạt động, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp các sở - ngành liên quan, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện triển khai kế hoạch điều tiết hàng hóa.
Trong đó, điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành, vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức; tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức để "chia lửa" cùng chợ đầu mối Hóc Môn.
Ngày 27/6, Sở Công thương TP.HCM có công văn gửi các tỉnh, thành trên cả nước về việc tạm dừng tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Theo đó, Sở Công thương TP.HCM đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành hỗ trợ, thông tin đến thương nhân trên địa bàn chủ động trao đổi, thống nhất với thương nhân kinh doanh, đối tác tại chợ Hóc Môn về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao nhận hàng hóa phù hợp.
Sở Công thương TP.HCM đồng thời cung cấp thông tin về đầu mối liên hệ tại các Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức lẫn Sở Công thương để sở cùng thương nhân các tỉnh, thành có thể liên hệ, phối hợp xử lý, điều phối việc giao nhận hàng trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc.
Nguồn cung từ các hệ thống siêu thị, cửa hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cũng sớm được tăng cường; nghiên cứu phương án giao hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống hoặc tổ chức các điểm bán buôn với giá sỉ để phân phối, cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ truyền thống; xây dựng phương án tiếp nhận và phân phối hàng hóa đột xuất trong trường hợp hàng từ chợ đầu mối chưa thể phân phối kịp thời đến các chợ truyền thống, điểm bán.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cũng sẽ tăng chuyến xe bán hàng lưu động nhằm cung cấp hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn TP.HCM trong những ngày tới.