Bức tranh ảm đạm của ngành rượu bia, nước giải khát
(DNTO) - Năm 2020, ngành bia rượu, nước giải khát chịu tác động kép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100, theo đó, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm, chỉ số tồn kho tăng lên…
Lao đao trước tác động kép
Tại Diễn đàn Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát, tổ chức chiều qua 20/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm nay, ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Công thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Mặc dù mang lại nguồn thu thuế dồi dào cho ngân sách nhà nước, nhưng ông Phòng cũng thẳng thắn cho biết, ngành đồ uống có cồn cũng được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội, nên chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách thắt chặt, nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ 2016-2020, ngành rượu bia chịu sự điều chỉnh của rất nhiều loại thuế, trong đó có thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế tiêu thụ cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường…
Năm 2019, trong số 60.000 tỷ đồng nộp thuế của toàn ngành, riêng 4 “ông lớn” Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg đã nộp tới 49.595 tỷ đồng, chiếm 80% tổng số. Tuy nhiên trong 10 tháng từ đầu năm 2020 đến nay, số nộp ngân sách nhà nước của 4 doanh nghiệp lớn nói trên chỉ đạt 39.111 tỷ đồng.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2020, ngành bia, rượu, nước giải khát chịu tác động kép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Vì thế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên. Ngoài ra, ngành này còn đang phải chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cạnh tranh với cả các cơ sở kinh doanh rượu bia lậu…
Theo TS. Ngô Trí Long, dự báo việc giảm sản lượng tiêu thụ rượu bia, nước giải khát có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020, gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất bia rượu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến bia rượu.
Thay đổi để thích nghi
Để giải cứu cho doanh nghiệp bia rượu, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) đề xuất, Nhà nước, Tổng cục Thuế cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp quản lý hài hòa cho ngành.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phí trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đồng thời, VBA cũng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Việt nói.
Về phần mình, TS. Ngô Trí Long cho rằng, ngành bia, rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn, cùng với đó là điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng sản phẩm mới, giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc có thêm những sảm phẩm thay thế, thích ứng với chính sách, đây sẽ là bước đi mà doanh nghiệp cần tính đến.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Nam, đại diện Cục Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công thương cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, rượu thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, còn bia và nước giải khát thì không, chỉ cần đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Về định hướng phát triển ngành hàng này, hiện quy hoạch cũ đang dừng lại để tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển xứng tầm.
Cụ thể, phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát có thương hiệu, tầm cỡ với những sản phẩm chất lượng. Trong đó, với ngành bia không khuyến khích đầu tư dưới 50 triệu lít/năm. Với doanh nghiệp nước giải khát, khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước.