Bonsai hết thời, cây cảnh ăn trái lên ngôi
(DNTO) - Chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, hành vi tiêu dùng dịp cuối năm đã có nhiều thay đổi, từ các mặt hàng thiết yếu đến cả thú vui chơi cây kiểng ngày Tết.
Cây cảnh không nằm ngoài khó khăn chung
Ghi nhận tại các vựa, vườn ươm cây cảnh tại TP.HCM, phóng viên được các nhà vườn cho biết tình hình mua bán năm nay giảm ở mức chưa từng thấy. Có nơi cho biết sức mua giảm đến 70% so với mọi năm.
Anh Trân, chủ một vựa cây từ Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết do năm nay quá nhiều biến động, ảnh hưởng mạnh đến cả sức mua và nguồn cây. "Như mọi năm thì khách của chúng tôi phần nhiều từ các công trình mua cây về để thiết kế cảnh quan, nhưng năm nay tình hình kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp cũng dè chừng, có nơi thì cắt giảm ngân sách cho các khoản trang trí này nên nhà vườn chúng tôi cũng thiệt hại nhiều", anh cho biết.
Một số nhà vườn từ Bến Tre chia sẻ năm qua ngoài dịch bệnh thì còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, các yếu tố sống còn này tác động trực tiếp đến giá thành và đầu ra của sản phẩm.
"Giai đoạn tháng 4, tháng 5 là nhà nông chúng tôi bị ảnh hưởng nhất, nước mặn đến nỗi không dám nấu ăn. Chúng tôi phải đi mấy chục cây số mua nước ngọt về để tưới cây, cả nhà đói chứ không để cây chết được", một chủ vườn từ Bến Tre ngán ngẩm.
Việc chăm sóc cây khó khăn nhưng nếu báo giá quá không ai mua, người nông dân chỉ mong năm sau khá hơn để bù lỗ chứ năm nay xem như không có đồng lời nào.
Anh Sóc (Vĩnh Long) có một vườn cây đang bày tại hội chợ cây kiểng trên QL1A (P.Linh Xuân, Thủ Đức) cho biết khoảng 5 năm nay, tình hình mua bán cây kiểng không còn nhộn nhịp như trước. Anh cho biết nhu cầu giảm một phần vì các quán cà phê sân vườn, khu du lịch sinh thái,... chỉ đầu tư mua cây một lần rồi thuê người chăm sóc định kỳ.
"Trước kia các công trình sinh thái phải mời các nghệ nhân cây cảnh như tôi để tư vấn và sắp đặt, giờ đây, các doanh nghiệp thường tổ chức chọn người bán thông qua đấu thầu. Điều này dẫn đến việc các vườn cây ép giá, phá giá nhau. Qua hình thức đấu thầu này, giá cây bị giảm đáng kể, các nghệ nhân lão luyện thường phải nhường "đất" cho đàn em hay các công ty dịch vụ cảnh quan", anh Sóc nói.
Cây ăn trái trở thành xu hướng năm nay
Theo khảo sát tại nhiều vườn cây, người mua tại đây thường chú ý đến các loại cây cảnh ăn trái được tạo hình. Theo các nhà vườn, ưu điểm của các loại cây này là dễ chăm sóc và sức sống tốt, đặc biệt là giá thành không quá cao.
Chị Hoa, chủ vựa cây Phong (phường An Phú Đông, quận 12) cho biết những tháng cuối năm, người mua hỏi cây ăn trái rất nhiều, "Thấy nhu cầu cao, vườn của tôi cũng nhập về nhiều loại cây được ưa chuộng như mít kiểng, xoài kiểng để đáp ứng. Tôi dự định năm sau sẽ tăng mạnh các giống cây này".
Anh Vũ, chủ một vườn cây tại Thủ Đức xác nhận năm nay cây ăn trái rất hút hàng. "Có lẽ do giá thành, các cây ăn trái được tạo hình tương đối đẹp, giá thành lại không cao, khoảng vài chục triệu đồng, dễ chăm bón nên người mua ưa chuộng", anh cho biết.
Ngoài ra, mai vàng cũng là loại cây được nhiều người tìm mua để chưng Tết.
Anh Hoàng, một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương cho biết cứ khoảng 2 năm anh lại mua cây cảnh mới để trang trí công ty. "Mọi năm tôi thường mua bonsai để bày biện, tuy nhiên năm nay làm ăn khó khăn quá, cây bonsai thì giá bình quân cả trăm triệu đồng, chưa tính các chi phí chăm sóc. Năm nay tôi định "đổi gió" sang các cây ăn trái xem sao, quan niệm dân gian 'có trái là có tiền' mà".