Bỏ việc lương cao ở khách sạn 5 sao để làm chủ đời mình
(DNTO) - Xuất thân từ một vùng quê nghèo của Nghệ An, chị Trần Thị Thanh Tâm, CEO - Founder của chuỗi khách sạn Chez Mimosa Hotel Group and Mimo Bistro, quyết tâm thay đổi tương lai bằng con đường học vấn và tự làm chủ cuộc đời mình.
Khởi nghiệp từ homestay 2 phòng
Đam mê làm nghề khách sạn từ khi vào giảng đường đại học, hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chị Trần Thị Thanh Tâm quyết tâm đổi đời từ chính nghề nghiệp mình đang theo đuổi.
Bắt đầu khởi nghiệp từ 2015, chị Tâm gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều nguồn đầu tư từ các chương trình khởi nghiệp. Với số vốn để dành được khi lập gia đình, một số ít tích lũy sau thời gian đi làm đồng thời vay mượn từ nhiều nguồn, chị quyết định khởi đầu với mô hình homestay.
Do đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại những khách sạn 5 sao trên khắp cả nước, cùng kiến thức chuyên môn và áp dụng hình thức kinh doanh tiến bộ, sau 6 tháng, chị đã có 1 khách sạn 10 phòng cho riêng mình. Hiện tại, chị đang điều hành chuỗi 4 khách sạn và 1 khách sạn nhượng quyền cho người nước ngoài. Chuỗi khách sạn mang thương hiệu Chez Mimosa luôn được đánh giá cao trong hệ thống kinh doanh khách sạn qua mạng internet (OTA).
Chị Tâm chia sẻ, ở thời điểm là người Việt Nam duy nhất nằm trong nhóm quản lý của một khách sạn 5 sao bậc nhất TP.HCM với mức lương khoảng 4.000 - 5.000 USD/tháng, chị vẫn quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước. Động lực thúc đẩy duy nhất của chị là làm chủ cuộc đời mình.
Khi homestay bắt đầu đón khách, vợ chồng chị phải làm tất cả mọi việc từ dọn dẹp, vệ sinh đến khâu chuẩn bị. Có những lúc giữa đêm, khách tìm phòng nhưng không có, chị lại phải chở khách đi tìm phòng khác. Khách đói, chị sẵn sàng phục vụ đồ ăn miễn phí bất cứ giờ nào.
Yếu tố con người làm nên sự thành công
Là người làm chủ trong mảng kinh doanh du lịch – khách sạn, chị Tâm chia sẻ quan điểm: Đầu tư khách sạn cần có thêm kiến thức về địa lý vùng miền, ẩm thực, văn hóa để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Phải quan tâm đến cảm nhận của khách. Phải cởi mở, thân thiện, nhiệt tình trong phục vụ thì mới nhận được sự đánh giá cao của khách.
Đối với nhân viên, chị luôn đồng cảm với họ bởi chị cũng từng trải qua thời gian làm nhân viên khách sạn. Chị cũng từng làm hầu hết mọi công việc từ vệ sinh tolet, cắt tỉa cây cảnh, nhiều lúc còn bị phân biệt đối xử. Vì thế, chị luôn đối đãi tốt với nhân viên của mình.
Chị nhớ lại: “Lần đầu tiên mang guốc cao 7cm, đứng 8 giờ, làm không lương, đợi được ăn bữa cơm khách sạn, có lúc còn bị xua đuổi khi dọn phòng, tan ca xong chỉ biết ngồi khụy ngay xuống đất vì mỏi… tôi chỉ biết khóc một mình. Cho nên khi được làm chủ, tôi quyết đối xử tốt với nhân viên của mình”.
Mong muốn của chị là cố gắng phát triển thêm nhiều khách sạn, nhà hàng mang thương hiệu của chị để tạo thêm việc làm cho người dân quê mình. Nhân viên hiện tại đang làm cho chị đa phần là người cùng quê được chị tuyển vào và đào tạo nghiệp vụ. Họ rất quý trọng chị ở cách cư xử công bằng trong công việc.
Đối với khách hàng, tiêu chí của chị là “khách hàng là trên hết” và “hết lòng phục vụ khách hàng”. Việc chăm sóc, ưu ái, phục vụ tận tâm cũng được chị và nhân viên đặt lên hàng đầu. Từ đó, việc đánh giá chất lượng tốt, số lượt khách quay lại và biết đến cũng ngày càng tăng.
Vượt qua bão lớn, giữ vững tay chèo
Thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, cũng là giai đoạn khủng hoảng nhất mà chị trải qua. Vừa sinh xong em bé, kinh doanh lại tạm dừng do dịch, vừa phải “nuôi” nhân viên, mọi thứ như gánh nặng đè lên vai chị. Thế nhưng, với ý chí của một thủ lĩnh, thêm gia đình làm chỗ dựa, chị đã cố gắng vực dậy, khẳng định được sức mạnh, bản lĩnh của mình.
Để giữ vững kinh doanh như hiện nay, chị đã phải cân đo, đong đếm nguồn vốn, mở thêm nhà hàng, tạo nguồn thu trong thời điểm ít khách du lịch đến Việt Nam… Đỉnh điểm nhất là chị phải bán tài sản của gia đình để cầm cự. Tuy nhiên, chủ động là một điểm mạnh trong kinh doanh của chị. Việc chị từng làm nhân viên tại những khách sạn lớn là kinh nghiệm quý. Nó giúp chị thiết kế, nắm vững tâm lý khách hàng, tư vấn và lựa chọn hình thức kinh doanh, làm nên thành quả hiện tại.
“Thời điểm này, tôi xuống tinh thần lắm, nhưng chồng cùng làm chung nghề du lịch khách sạn nên anh hiểu và thông cảm. Anh đã quyết định bán 4 chiếc xe kinh doanh du lịch Bắc – Nam để duy trì chi phí cho chuỗi khách sạn và chăm lo chỗ ăn, ở cho nhân viên có hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm đỉnh dịch”, chị Tâm tâm sự.
Từ những bài học vỡ lòng đến va chạm thực tế trong thời gian dài, chị rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân và cho cả công việc kinh doanh. Chị tâm đắc nhất câu nói “Có làm thợ mới làm được thầy” nên việc điều tiết, quản lý rất nhẹ nhàng đối với chị.
Được biết, thời điểm trước dịch, lượng khách chủ yếu của chị từ châu Âu, đa phần khách lựa chọn trên hệ thống các ứng dụng về nhà hàng khách sạn trên mạng xã hội. Vì vậy, khi chưa có chính sách đón khách du lịch ngoài nước, chị thực hiện chính sách giảm giá cho du khách trong nước và nhận được sự đánh giá cao từ nhóm khách này.
Việc đón khách du lịch nội địa và mở thêm nhà hàng kinh doanh, một phần nào giải quyết được bài toán chi phí hằng tháng và tạo việc làm cho nhân viên từ mảng khách sạn đang tạm nghỉ do dịch.
Chị quan niệm, sự hài lòng của khách hàng là thành công của một doanh nghiệp. Quảng cáo, truyền thông hiệu quả nhất là từ sự phản hồi, đánh giá của khách. Nó giúp khẳng định thương hiệu và phát triển mạnh mẽ hơn. Lấy sự quan tâm con người làm trọng, hệ thống khách sạn của chị đến nay vẫn đang trụ vững trong tình hình khó khăn vì dịch bệnh.
Tuy phải đương đầu với nhiều thử thách khốc liệt nhưng người phụ nữ nhỏ bé này chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc bởi chị rất đam mê với nghề. Chị xác định đây là hướng đi đúng đắn trong thời buổi kinh tế như hiện nay và cũng là xu hướng kinh doanh trong tương lai. Việc đứng vững trước cơn “bão lớn” vừa qua, tạo động lực giúp chị vững tay chèo đưa con thuyền vượt qua sóng gió.