Thị trường khởi nghiệp trầm lắng, nhà đầu tư e ngại khi xuống tiền
(DNTO) - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá trị vốn rót vào thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2020 sẽ khó đạt con số gần 900 triệu đô la Mỹ như năm trước, do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tăng trưởng bền vững của các startup.
Covid- 19 cản dòng vốn đổ vào startup
Trao đổi trong hội thảo "Khởi nghiệp Việt Nam: Cơ hội và thách thức cho quỹ đầu tư hậu Covid-19”, sáng 21/11, ông Dennis Lê, Giám đốc đầu tư tại Quỹ đầu tư Openspace Ventures cho biết, dịch Covid-19 không chỉ mang đến những khó khăn cho các công ty khởi nghiệp mà còn đem đến nhiều thách thức không nhỏ cho các quỹ đầu tư, khi thị trường khởi nghiệp ảm đạm, nhà đầu tư khó tìm được startup tiềm năng.
Ông Dennis Lê cho biết, từ đầu năm đến nay, chỉ có 100 startup tìm đến Openspace Ventures để kêu gọi đầu tư, trong khi năm 2019, con số này lên tới gần 200 startup.
Không chỉ sụt giảm về số lượng startup kêu gọi vốn, quỹ này cho biết, hiện khả năng thỏa thuận thành công giữa quỹ đầu tư và startup cũng rất thấp.
“Do thị trường bất ổn nên chúng tôi hiện chỉ dám xuống tiền ở những startup đã vững vàng trong giai đoạn khó khăn. Vì vậy từ đầu năm đến nay, Openspace Ventures chưa chốt được deal (thỏa thuận) nào ở thị trường Việt Nam”, ông Dennis Lê cho hay.
Báo cáo của quỹ đầu tư Do Ventures vừa thực hiện cũng cho thấy, năm 2019 giá trị vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt lên tới 861 triệu USD. Tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm 22%, từ 284 triệu USD nửa đầu năm 2019 xuống còn 222 triệu USD nửa đầu năm nay.
Lý giải rõ hơn về việc dòng vốn đầu tư vào các startup sụt giảm trong năm 2020, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng đại diện Việt Nam, Quỹ đầu tư CyberAgent Capital cho biết, dịch Covid-19 khiến việc di chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam khó khăn hơn.
Với những thỏa thuận nhỏ, một số quỹ đầu tư nước ngoài có thể chốt online.Tuy nhiên với những thỏa thuận có giá trị vốn lớn hơn, các nhà đầu tư họ sẽ thận trọng hơn, bởi họ phải làm việc trực tiếp với startup để xác minh dữ liệu và tình hình thực tế của công ty. Điều này dẫn đến vòng quay vốn thị trường khởi nghiệp chậm hơn.
“Ở giai đoạn đầu của các startup, các quỹ đầu tư có đại diện tại Việt Nam có thể tham gia hỗ trợ vì giá trị vốn không lớn. Tuy nhiên một quỹ không thể hỗ trợ các startup từ đầu đến cuối, vẫn cần sự tham gia của nhiều quỹ. Vì vậy nếu startup đang ở vòng gọi vốn sâu hơn, cần nhiều nhà đầu tư hơn sẽ gặp khó khăn vào thời điểm này”, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.
Là một quỹ thường tham gia đầu tư ở giai đoạn đầu của các startup, thế nhưng ông Trần Anh Tùng, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VIC Partners cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, quỹ này cũng chưa chốt được deal nào tại Việt Nam.
Thay vì chú tâm đến câu chuyện đầu tư mới, VIC Partners tập trung nguồn lực vào các startup mà quỹ này đã từng đầu tư. Bởi theo ông Trần Anh Tùng, khi bỏ tiền đầu tư startup mới, VIC Partners đều phải suy nghĩ xem liệu startup có thể trụ vững trong 18-24 tháng tiếp theo, khi họ có cơ hội tìm nhà đầu tư khác lớn hơn hay không.
“Thời điểm này khá khó khăn, đặc biệt với các startup chỉ tập trung vào tăng trưởng, cần đốt nhiều tiền. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước đa phần chỉ có khả năng đáp ứng tài chính trong giai đoạn đầu. Vì vậy nhà đầu tư dè dặt đầu tư vì không thể bỏ tiền và đợi đến 18-24 tháng nữa để chờ nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào”, ông Trần Anh Tùng nêu quan điểm.
Kì vọng trở lại ngoạn mục trong năm 2021
Mặc dù trong năm 2020, quy mô dòng vốn đầu tư vào startup bị ảnh hưởng nhưng các quỹ đầu tư rất lạc quan trước triển vọng thị trường khởi nghiệp trong năm tới.
Đại diện của quỹ Openspace Ventures cũng cho biết, ngoài việc nhìn vào những gì startup có, các nhà đầu tư cũng nhìn vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của startup. Vì vậy, không chỉ tại Openspace Ventures, trên thị trường hiện cũng có rất nhiều deal đang được đàm phán và sẽ chốt trong nửa đầu 2021.
“Dự báo nửa đầu năm 2021, thị trường startup sẽ chứng kiến dòng vốn đổ vào đầu tư rầm rộ hơn”, ông Dennis Lê nhấn mạnh.
Cũng theo khảo sát của Do Ventures, triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao. Cụ thể, 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho biết Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng sắp tới.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam muốn “hút” vốn đầu tư mạnh mẽ hơn cần giữ được động lực chuyển đổi số bởi hiện tại, động lực này hiện đang “nguội” đi khi cuộc sống trở lại bình thường. Mặc dù trong ngắn hạn, thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng, nhưng ông Tuấn cho biết, trong dài hạn, nếu doanh nghiệp Việt không đi đủ nhanh sẽ khó cạnh tranh với những đối thủ trong khu vực.
“Khi các đối thủ họ làm tốt ở nước họ, họ sẽ mở rộng thị trường sang các nước khác. Khi họ nhảy vào Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt không đủ lực chống đỡ sẽ mất cả cơ hội trong và ngoài nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.