Bộ trưởng Bộ Công thương: ‘Cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực công nghiệp’
(DNTO) - Tiếp nối thành công của Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, Việt Nam cần khuyến khích và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp để giúp Việt Nam đi sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế
Trong bài tham luận tại Đại hội 13, người đứng đầu Bộ Công thương nhấn mạnh đến thành tựu sau 35 năm đổi mới của Việt Nam, từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.
Cụ thể, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 (năm 2009) lên vị trí thứ 42 (năm 2019) (theo xếp hạng của UNIDO). Việt Nam cũng đang tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Đặc biệt, trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế, đóng góp gần 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa với tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn 5,55% vào năm 2020); nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp (tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% vào năm 2020).
Ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... bước đầu hình thành hệ sinh thái và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Nhờ vậy, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
“Đặc biệt, sự hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Thúc đẩy hình thành những tập đoàn đầu tàu về công nghiệp
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế trong phát triển công nghiệp nhưng ông Trần Tuấn Anh cũng nhận định, quá trình dịch chuyển dòng chảy đầu tư của thế giới, trong khi Việt Nam trở thành điểm đến nhiều tiềm năng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đến việc nâng cao “nội lực”, trọng tâm nâng cao năng lực của ngành công nghiệp; các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh.
“Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước”, ông Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong nước trong các ngành quan trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ phân phối, chế biến nông sản, sắt thép....
Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng các Luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh.