Bộ NN&PTNT đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi
(DNTO) - Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, chăn nuôi đã góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm quốc gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì sản xuất diễn ra bình thường để bảo đảm cung ứng cơ bản đủ thực phẩm cho gần 100 triệu người dân, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế và ổn định tình hình xã hội của cả nước.
Chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng, nhưng đây cũng là loại hình kinh tế tạo được nhiều việc làm và góp phần cải thiện thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn.
Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Thực tế hiện nay rất cần chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi để góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế ngày càng tăng; thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, đảm bảo nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả.
Tại dự thảo, Bộ NN&PTNT đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn; hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu và gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ một ngày tuổi để nuôi sinh sản...
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất những vấn đề liên quan hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là: Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; dự án xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Dự thảo nêu rõ, hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu đối với cơ sở chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, các sàn giao dịch vật tư chăn nuôi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm quảng bá sản phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/kho lạnh.
Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo nêu: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hỗ trợ kinh phí dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; dự án xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nộp hồ sơ về Sở NN&PTNT đối với dự án do ngân sách cấp tỉnh cấp, gửi về Bộ NN&PTNT đối với dự án do ngân sách Trung ương cấp.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.