Big4 ngân hàng hiện tại đang là những ông lớn nào?
(DNTO) - Danh sách 4 ngân hàng trong nhóm nổi bật gần như chỉ thay đổi thứ hang cho nhau nhưng vẫn năm trong top 4 trong những năm qua, bao gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank.
Trong năm 2020, thứ hạng nhóm Big4 ngân hàng trong bảng xếp hạng tiền gửi gần như không có sự thay đổi. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân lại có sự xáo trộn mạnh.
Từ năm 2017 đến nay, bảng xếp hạng top 10 tiền gửi khách hàng đã dần ổn định và ít có sự xáo trộn thứ hạng với những nhà băng quen thuộc như: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SCB, Sacombank, ACB, MBBank, SHB, VPBank.
Agribank - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Trong suốt 10 năm qua, Agribank vẫn duy trì được vị trí top 1 ngân hàng được người dân và doanh nghiệp gửi tiền nhiều nhất. Dễ hiểu điều này bởi Agribank đang là ngân hàng có mạng lưới phòng giao dịch lớn nhất, phủ đến tất cả mọi miền đất nước, bao gồm cả vùng sâu vùng xa.
Năm 2019, lợi nhuận của Agribank tăng trưởng 90%, xác lập mức lãi kỷ lục từ trước đến nay, lên đến 14.110 tỷ đồng và chỉ đứng sau Vietcombank trên bảng xếp hạng. Đến nửa đầu năm 2020, ngân hàng này có kết quả kinh doanh không khả quan. Lợi nhuận thu được trong 6 tháng thấp hơn cả nhóm các ngân hàng thương mại Techcombank, VPBank và MB.
Để bù đắp nguồn thu sụt giảm từ cho vay, Agribank cho biết sẽ tăng thu dịch vụ, kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo mục tiêu lợi nhuận.
BIDV - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
BIDV là một trong những ngân hàng sở hữu nhiều công ty con bậc nhất hệ thống ở nhiều ngành nghề, từ bảo hiểm, cho thuê tài chính đến chứng khoán, thậm chí có cả ngân hàng liên doanh, công ty liên kết.
Đáng lưu ý, dù có quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu lớn nhất nhì hệ thống ngân hàng nhưng BIDV đang khai thác tài sản (ROA) và sử dụng nguồn vốn (ROE) kém hiệu quả so với các ngân hàng khác. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, ROA tại BIDV chỉ đạt 0,39% và ROE đạt 7%, con số này đã giảm so với cùng kỳ 2019.
BIDV là nhà băng có mức lợi nhuận khiêm tốn nhất trong nhóm này, dù vượt kế hoạch tài chính NHNN giao.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng. Tổng tài sản ngân hàng đến 31/12/2020 đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020.
Vietcombank - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Trong nhóm Big4, Vietcombank vẫn là nhà băng đạt lợi nhuận cao nhất mặc dù 2020 là năm đầu tiên ngân hàng này không có sự tăng trưởng về lợi nhuận. Trong năm 2020, lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021 của Vietcombank, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết trong năm 2020, tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng; Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất gần 4.000 tỷ đồng; Dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 của NHNN là 5.156 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm 2020. Trong đó tín dụng bán lẻ tăng trưởng 20,4%, tỷ trọng tín dụng bán lẻ chiếm 53,5% tổng dư nợ tín dụng (tăng 2,9 điểm % so với 2019). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,61%.
Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank cho biết, năm vừa qua ngân hàng đã triển khai 5 đợt giảm lãi suất - nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
VietinBank - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
Trái ngược với hai “ông lớn” kể trên, VietinBank báo lãi trước thuế cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng, đạt 16.450 tỷ đồng trong năm 2020.
Chủ tịch HĐQT VietinBank – ông Lê Đức Thọ cho biết, trong năm vừa qua, ngân hàng đã thực hiện thành công mục tiêu kép khi vừa hỗ trợ khách hàng vượt khó khăn do tác động dịch bệnh, vừa khôi phục kinh doanh và vừa thực hiện đổi mới, tái cấu trúc hoạt động, thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020.
Lãnh đạo VietinBank cho biết, cuối năm 2020, ngân hàng đã vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 16.450 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đặt ra. Chỉ số sinh lời ROE và ROA đạt 16,8% và 1,3%.
Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, xuống dưới 1% vào thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng tăng lên 130%; tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Năm 2021, ngân hàng dự kiến tổng tài sản tăng 3-6%, tín dụng tăng trưởng 8-11%, nguồn vốn huy động tăng 10-12%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10-20% trong năm 2021. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%.