Biến thể Omicron 'rung' thị trường, lo lắng là quá sớm?
(DNTO) - VN-Index rớt hơn 8 điểm trong phiên hôm nay, 29/11, cho thấy thị trường đang ở thời điểm nhạy cảm với thông tin của biến thể Omicron. Thêm vào đó, những thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 11 vừa công bố cũng khiến cho thị trường trở nên "yếu" hơn.
Với 78 mã tăng trần, 369 mã tăng giá, 513 mã giảm, VN-Index chốt phiên tại 1.484 điểm, mất 0,55% so với phiên liền trước. HNX-Index tăng nhẹ chưa đầy 2 điểm, tương ứng 0,43%, lên 460 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về bên bán, khi tâm lý nhà đầu tư ít nhiều chịu áp lực từ những thông tin của biến thể Omicron. Tuy nhiên, với thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 38.000 tỷ đồng cùng sự nỗ lực phục hồi nhờ các cổ phiếu trụ như VIC tăng gần 7% và VHM tăng gần 2% đã cứu nguy cho thị trường.
Nhóm Midcap và Smallcap ngược dòng thị trường, bù đắp cho áp lực bán của nhóm VN30, với mức tăng lần lượt 0,02% và 0,64%. Dòng tiền về cơ bản vẫn tìm kiếm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu này, sự dịch chuyển sang nhóm Blue Chips chủ yếu là tìm đến cổ phiếu ngân hàng với mục tiêu dài hạn.
Nhóm ngân hàng giảm mạnh trong phiên, trên đà test lại đỉnh của tháng 8, với mức giảm trung bình hơn 2%. Bất động sản và chứng khoán giữ đà tăng ổn định với mức tăng lần lượt 2,3% và 1,7%.
Phiên rung lắc giảm điểm hôm nay không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư khi chứng khoán toàn cầu đang phản ứng mạnh trước những thông tin về biến thể mới của Covid-19. Sắc đỏ bao trùm Phố Wall ngay sau khi các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về biến thể Omicron.
Báo cáo kinh tế 11 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12 năm ngoái và tăng 2,1% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng, CPI vẫn chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng thấp nhất kể từ 2016.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng và việc các địa phương dần trở lại sau dịch bệnh đã khiến giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng lên.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều thách thức mới với nhiều thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhìn chung các dấu hiệu đảo chiều chưa rõ nét.
Biến thể Omicron có đáng lo ngại?
Trả lời Bloomberg, các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. đã đưa ra 4 kịch bản với biến thể Omicron:
Kịch bản suy giảm: Omicron có tốc độ lây nhanh hơn Delta. Khi đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại với tốc độ 2% trong quý hoặc thấp hơn 2,5 điểm so với dự báo trước đây của tổ chức này. Kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng 4,2% hoặc thấp hơn 0,4% điểm phần trăm trong năm 2022 so với dự báo. Lạm phát chưa thể xác định.
Suy giảm nghiêm trọng: Omicron lây lan mạnh và khả năng kháng vaccine lớn, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động mạnh, lạm phát khó xác định.
Cảnh báo sai: Omicron lây lan chậm hơn Delta và không tác động đến kinh tế toàn cầu.
Cuối cùng: Omicron dễ lây truyền hơn một chút, không gây nguy hiểm, lạm phát toàn cầu sẽ thấp hơn khi có sự phục hồi của các chuỗi cung ứng hàng hóa và nguồn lao động.
Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, sự tác động của biến thể Omicron với tăng trưởng kinh tế còn cần thời gian để xác định, tuy nhiên hiện tại, họ hoàn toàn không thay đổi các dự báo liên quan đến tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ. Biến chủng này cũng có thể tạo ra những "báo động giả", kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết.
Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, theo Công ty Chứng khoán Agriseco, nhịp giảm trong phiên giao dịch hôm nay không có gì bất ngờ và sẽ xuất hiện trong phiên đầu tuần khi VN-Index hấp thụ dòng tiền chốt lời quanh mốc 1.500 điểm, cũng như những thông tin từ chủng Covid-19 mới.
"Tuy nhiên, các biến động này khả năng sẽ chỉ mang tính ngắn hạn do đây không phải lần đầu tiên thị trường đối mặt với các nhịp giảm liên quan tới Covid-19", Agriseco Research nhận định.
"Thị trường sẽ xuất hiện các phiên hồi phục vào giữa tuần và kiểm định lại mốc 1.500 điểm khi bước vào tháng 12", các chuyên gia Agriseco khuyến nghị và cho biết thêm: "Trước mắt, các nhịp điều chỉnh sẽ là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tập trung vào các ngành có tiềm năng tăng giá tốt như ngân hàng, bất động sản, xuất khẩu cũng như các câu chuyện thoái vốn Nhà nước, M&A. Ngược lại, đối với các cổ phiếu đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng thì nhà đầu tư có thể kiên nhẫn chờ đợi khi Index kiểm định lại vùng 1.500 điểm để chốt lời".