Biến động tại Bangladesh, ngành dệt may Việt có tận dụng được cơ hội?
(DNTO) - Các doanh nghiệp dệt may trong nước đang có cơ hội trong ngắn hạn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp chủ yếu thiên về gia công, không chủ động được nhiều về nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, việc nắm bắt cơ hội để biến thành hiện thực sẽ không dễ.
Cuộc bạo loạn tại Bangladesh vào tuần trước đã khiến chính phủ nước này ban bố tình trạng giới nghiêm. Cùng đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh đã yêu cầu các nhà máy nước này phải đóng cửa cho đến khi tình trạng trên được kiểm soát.
Bangladesh hiện đang là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới. Sự kiện chính trị tại quốc gia này được xem là đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong nước. Hai tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành dệt may tại thị trường chứng khoán cũng nóng lên, thậm chí có mã đã bật tăng 10-30% chỉ trong thời gian ngắn.
Thực tế, cơ hội có thể nhìn thấy nhưng liệu các doanh nghiệp sẽ tận dụng như thế nào cũng là một câu chuyện không hề đơn giản.
Đánh giá về cơ hội với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ông Trần Nhật Trung, Giám đốc phân tích ACBS, tại chương trình talkshow với chủ đề "Xuất khẩu khởi sắc - Có tiếng liệu có miếng?" ngày 15/8 nhận định, việc hưởng lợi của các doanh nghiệp chỉ trong ngắn hạn bởi thực tế sự kiện tuần qua không phải duy nhất với quốc gia thường có bất ổn về chính trị này.
Trong khi đó, ngành dệt may của Bangladesh đang sở hữu nhiều lợi thế so với Việt Nam như chi phí nhân công thấp, trong khi đó chi phí nhân công Việt Nam không chỉ cao hơn mà còn đang trong quá trình tăng lương cơ bản. Ngoài ra, dệt may là ngành trọng điểm của Bangladesh nên được Chính phủ nước này có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ.
"Chuỗi cung ứng của Bangladesh cơ bản khép kín có đầu, cuối; trong khi đó Việt Nam chỉ tập trung khâu gia công. Do đó nhiều nước chuộng Bangladesh hơn Việt Nam", ông Trung chia sẻ.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, trước đây ngành dệt may đã mất một số đơn hàng do họ chuyển sang Bangladesh vì không đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
"Một điều cần nhắc đến là chúng ta chậm chuyển đổi xanh, trong khi các nhãn hàng, thị trường lớn đòi chúng ta phải dán nhãn xanh, nhãn carbon. Bangladesh bất ổn nhưng nhưng chúng ta không đủ điều kiện xuất hàng hoá thì rõ ràng có cơ hội nhưng nhưng chúng ta không tận dụng được", ông Huân cho biết.
Điều này cũng không có gì bất ngờ khi trước đây, Việt Nam từng chứng kiến xu hướng nhiều dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận của các doanh nghiệp FDI khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dâng cao. "Nhiều người nói Việt Nam cơ hội vươn lên phát triển, xuất khẩu tăng trưởng bùng nổ nhưng từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu vẫn tăng nhưng không được như kỳ vọng. Vấn đề là có cơ hội nhưng chúng ta có nắm bắt được không?", ông Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Một vấn đề được ông Trần Nhật Trung đặt ra là liệu các doanh nghiệp Việt có chấp nhận các đơn hàng giá rẻ mà các doanh nghiệp thường trả cho Bangladesh?
"Việc cạnh tranh với Bangladesh không trực tiếp vì việc phân bổ các đơn hàng phụ thuộc vào doanh nghiệp bán lẻ lớn. Tuy nhiên các đơn hàng Bangladesh thường có biên lợi nhuận thấp hơn các đơn hàng Việt Nam. Vì vậy Bangladesh có vấn đề chưa chắc Việt Nam được hưởng lợi vì chúng ta đã quen với đơn hàng biên lợi nhuận lớn hơn. Ví dụ như lâu nay các đơn hàng đang có biên lợi nhuận 20% thì liệu chúng ta có nhận đơn hàng chỉ 10%?", ông Trung cho biết.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may trong nước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu đạt trên 16 ngàn tỷ đô la, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, dù hiện Việt Nam đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn do chủ yếu thiên về gia công, khó chủ động nguồn nguyên vật liệu và thị trường, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị.
"Rõ ràng xuất khẩu đang có điểm sáng của Việt Nam, vấn đề cần xem lại là cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp sản xuất... để có thể tối ưu các lợi thế có được", ông Huân nhấn mạnh.