Biến cố Covid-19 liệu có giúp Việt Nam 'bật dậy' nhanh hơn?
(DNTO) - Chưa bao giờ cụm từ "cơ hội" lại được nhắc tới nhiều với Việt Nam như bây giờ. Theo các chuyên gia kinh tế và tổ chức quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang có thời cơ "bật dậy" nhanh hơn sau đại dịch COVID-19, song vấn đề băn khoăn nhất vẫn là điểm nghẽn thể chế.
Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020 vừa được công bố, một lần nữa, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, GDP của Việt Nam có thể đạt mức tăng 2,5-3,0% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Tín hiệu hồi phục
Các dẫn chứng của WB đưa ra là Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương, trong khi thế giới gánh chịu suy giảm kinh tế chưa từng có. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được duy trì và củng cố từ quý II sang quý III/2020, lạm phát được giữ vững dưới 4%, thặng dư thương mại lớn, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao...
Dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, song điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường cũng là tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam.
Tại Hội thảo toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, COVID-19 là một đại dịch bệnh có thể gây thiệt hại kinh khủng đến nền kinh tế thế giới. Nếu như đại dịch SARS 2002-2003 khiến thế giới mất 30 tỷ USD, đại dịch MERS-CoV năm 2012 làm mất 90 tỷ USD, đại dịch Ebola năm 2014-2016 gây thiệt hại 75 tỷ USD..., thì đại dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế thế giới mất hàng nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng nêu ra một bức tranh khác của đại dịch, đó là số người giàu tăng lên và người giàu lại giàu thêm. Từ tháng 3 - 6/2020, bất chấp đại dịch, nước Mỹ có thêm 29 tỷ phú, tài sản tỷ phú tăng 20% và 5 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffett và Larry Ellison) đã có tài sản tăng 101,7 tỷ USD.
Do vậy, ông Thiên nhìn nhận: "COVID-19 như một biến cố lớn hiếm thấy, nhưng nó sẽ giúp Việt Nam đến một nhiệm vụ “tiến kịp”. Việt Nam không được lãng phí một cuộc khủng hoảng".
Nhìn vào bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 cho thấy, tăng trưởng kinh tế tăng 2,12%, thấp nhất trong 10 năm, nhưng vẫn là một điểm sáng của thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%; xuất siêu 16,99 tỷ USD...
Tháo "nút thắt" thể chế
Trước thực tế trên, ông Thiên đặt vấn đề tương lai của Việt Nam trong thế giới hậu COVID-19. Theo đó, COVID-19 được coi như là một cơ hội lịch sử.
"Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thể chế của Việt Nam phải thoát khỏi tư duy quản lý cũ, trói buộc kiểu cũ. Tiến vượt để đuổi kịp thế giới và đi cùng thời đại", ông Thiên nói.
Còn theo GS. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), trong bối cảnh cả thế giới chao đảo, "hoảng hốt" vì COVID-19, Việt Nam vẫn nằm ở thế có lợi. Tuy nhiên, hệ thống thể chế của Việt Nam còn yếu. Nếu không nhanh chóng cải thiện thể chế có thể khiến kinh tế Việt Nam phục hồi chậm.
Theo quan sát từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, ông Thành cho biết, nước nào có thể chế tốt hơn sẽ phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng. Điển hình như Hàn Quốc, sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã trỗi dậy không ngừng.
Vì vậy, Việt Nam muốn nắm bắt cơ hội lần này cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc thay đổi về thể chế. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chủ động hơn trong việc nắm bắt cơ hội cho mình.
"Xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu các doanh nghiệp (cùng cả xã hội) chuyển đổi số, xây dựng những mô hình kinh doanh phù hợp để sinh tồn. Sự chuyển đổi này cũng phù hợp với việc thích nghi trong hoàn cảnh COVID-19 còn diễn biến khó lường, tạo ra một tương lai bất trắc", ông Thành lưu ý.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, mỗi một chiến lược kinh doanh tốt đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ không rơi vào mớ hỗn độn bằng cách cung cấp cho doanh nghiệp một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu doanh nghiệp đang thực hiện và cách thức để thực hiện mục tiêu đó.
"Thông qua việc hoạch định và thực hiện chiến lược, doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi tiến độ mà doanh nghiệp đạt được tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thực hiện, giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định điều chỉnh cần thiết để trở lại đúng hướng với mục tiêu của doanh nghiệp nếu cảm thấy đang đi chệch so với định hướng ban đầu", bà Thuận chia sẻ.