Bị kẻ xấu tung hình ảnh lên mạng, chuyện không của riêng ai

(DNTO) - Mới đây, một người đàn ông treo cổ tự tử dẫn đến tử vong được cho là do bị tung hình ảnh lên mạng xã hội Facebook với ám chỉ là kẻ 'biến thái'.
Từ ngày các trang mạng xã hội - đặc biệt là Facebook - ra đời, sinh hoạt đời sống của con người có một sự thay đổi lớn. Nhiều công trình nghiên cứu của các chuyên gia là nhà xã hội học, tâm lý giáo dục học cũng đã chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực mà mạng xã hội mang lại cho con người.
Điều đáng quan tâm lo ngại nhất hiện nay là việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện với những thông tin hàm chứa nội dung xấu độc, xúc phạm đến quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức. Nhiều trường hợp đã gây nên những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội, dẫn đến vi phạm pháp luật đã bị xử phạt, thậm chí đi tù.

Bị kẻ xấu tung hình ảnh lên mạng, chuyện không của riêng ai. Ảnh: TL
Bị bắt nạt qua mạng, bị đe dọa, xâm hại, bị tra tấn tinh thần, phao tin đồn nói xấu vô căn cứ, bị xâm phạm quyền riêng tư, bị lộ thông tin cá nhân dẫn đến việc bị mạo danh… là những tác hại phổ biến của mạng xã hội ai cũng biết và không ít người từng là nạn nhân.
Nhưng sự tiêu cực của mạng xã hội đã gián tiếp tước đi mạng sống của một con người như trường hợp dưới đây thì tác hại của nó khủng khiếp hơn những gì chúng ta nghĩ. Nó như một hồi chuông báo động.
Hồi 4g sáng 24/8, ông N.V.Đ. (57 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, hiện ở trọ tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) được phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ. Trước đó, trên trang Facebook có tên TYLT xuất hiện một bài viết kèm theo hình ảnh với nội dung: “Phát hiện người đàn ông đi wave trắng ra giữa công viên với hành động kỳ quặc, khi thấy mấy bạn gái trẻ thì lấy chuối (kèm biểu tượng hình trái chuối) ra tuốt vỏ hù ú òa”. Người đàn ông sau đó được xác định là ông Đ.. Sau khi bài viết được đăng tải, rất nhiều bình luận chỉ trích, châm biếm với lời lẽ nặng nề gọi ông là kẻ biến thái. Mọi người trong nhà ông Đ. đã đọc được, nhưng chưa kịp hỏi gì thì ông Đ. đã tìm đến cái chết. Cơ quan công an cho biết, sẽ làm việc với quản trị viên của trang này để làm rõ.
Trước đây, khi hình ảnh nữ ca sĩ V.M.H. bị lộ loạt clip riêng tư từ camera nhà riêng, khiến cô tuyệt vọng nhắn cho một người bạn: “Bảo ơi! Em chỉ muốn chết thôi”, người ta vẫn còn nghĩ việc cảnh giác trước nguy cơ rò rỉ thông tin hình ảnh là chuyện của người của công chúng.
Nhưng cho đến thời điểm này, hơn bao giờ hết, đã đến lúc người dân cần cảnh giác và nâng cao ý thức về việc giữ gìn hình ảnh của mình nơi công cộng. Bởi vì chuyện bị phát tán thông tin và hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội hiện nay không còn là của riêng ai.
Câu chuyện về người cha ở An Giang là một điển hình. Trong một cơn nóng giận, anh bắt đứa con trai 4 tuổi đứng khoanh tay, rồi vừa tát liên tục vào mặt vừa mắng con, mãi đến 2 năm sau, không hiểu bằng cách nào đoạn clip đó bị tung lên mạng. Thế là, anh bị cộng đồng mạng kéo đến tận nơi “đánh hội đồng”, “đòi công bằng” cho cháu bé. Hình ảnh của T. bỗng chốc tràn ngập trên mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của anh trong một thời gian dài.
Ngày nay, với mạng lưới camera giăng mắc khắp nơi, cùng với việc nhiều mạng xã hội ra đời với các tính năng chia sẻ hình ảnh, video clip, trạng thái, bình luận… chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, cộng thêm lực lượng không nhỏ YouTuber chuyên và không chuyên, các tay paparazzi, thậm chí chỉ là một Facebooker ất ơ nào đó với mục đích “câu like”… thì chỉ cần một cú bấm máy là những hành động, lời nói, cử chỉ… của một ai đó có thể bị lọt vào tầm ngắm bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.

Chỉ cần một cú bấm máy là hình ảnh của một ai đó có thể bị tung lên mạng. Ảnh: TL
Ngược lại, khi sử dụng mạng xã hội, mỗi người cũng cần nâng cao ý thức, đề cao trách nhiệm cộng đồng, biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Đặc biệt phải tuân thủ quy định của pháp luật, các thông tin tung lên mạng phải chuẩn xác, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của người khác cần phải được sự cho phép của đương sự. Khi sử dụng các trang mạng xã hội để phê phán hay lên án tiêu cực xã hội cũng nên hết sức văn minh và có trách nhiệm.