Nỗi kinh hoàng khi không vay tiền mà bị khủng bố đòi nợ

(DNTO) - Sự phát triển của phương tiện công nghệ thông tin đã có những tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nổi lên rầm rộ trong những ngày qua là việc người dân bị “khủng bố” qua điện thoại và trên mạng xã hội nhằm đòi nợ mặc dù không hề thiếu nợ.
Thật ra hình thức “khủng bố” qua điện thoại và trên mạng xã hội không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng nó vẫn âm thầm tồn tại và phát triển. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo của các cơ quan chức năng nhưng vẫn không ít người sập bẫy của kẻ xấu.
Mới đây, ngày 12/8, chị P. (SN 1980, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), đã có đơn trình báo lên Công an quận về việc, chị bị một đối tượng tự xưng là cán bộ công an gọi vào số điện thoại của chị thông báo chị có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải app giả mạo "Bộ Công an" để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản, chị P. phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng.

Khởi đầu bằng cuộc gọi hoặc tin đòi nợ từ số điện thoại lạ. Ảnh; TL
Ngoài bị lừa đảo mất tiền thì nhiều nạn nhân rất bức xúc, lo lắng, hoang mang vì bị chửi bới, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ uy tín, hình ảnh, tác động nghiêm trọng đến tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt cá nhân và gia đình nạn nhân… trong khi bản thân họ không thiếu nợ mà bị khủng bố với “tư cách” là người trung gian có “nghĩa vụ liên quan” tới một con nợ có thể là con cái, bố mẹ, người thân, thậm chí là nhân viên bạn bè của người bị khủng bố.
Đó là trường hợp của hàng chục cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam thuộc Khu công nghiệp VSIP, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), bị “khủng bố” bêu xấu trên mạng xã hội liên tục trong một thời gian dài mặc dù bản thân họ không vay nợ.
Hay trường hợp cô P.T.T.G - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nghệ An cùng với nhiều giáo viên trong trường đã liên tục bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ trong khi toàn bộ không ai vay tiền. Cuối cùng ý đồ của kẻ khủng bố mới lộ ra là muốn gây sức ép để đòi nợ một người em chồng của một nữ giáo viên trong trường.

Khi gọi điện thoại hoặc nhắn tin không có hiệu quả, chúng sẽ cắt ghép, biến hóa hình ảnh của nạn nhân lên mạng nhằm bêu xấu. Ảnh: TL
Cũng có trường hợp đối tượng đã nắm sẵn trong tay tên tuổi, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà, nơi làm việc của nạn nhân, gọi đến hăm dọa, yêu cầu gọi lại số điện thoại do họ cung cấp để giải quyết vấn đề nào đó có liên quan.
Mẫu số chung là khi gọi điện thoại hoặc nhắn tin không có hiệu quả, chúng sẽ cắt ghép, biến hóa hình ảnh của nạn nhân lên mạng nhằm bêu xấu nhân phẩm nạn nhân một cách trắng trợn. Nguy hiểm hơn là những thông tin gán ghép này được gửi cho nhiều người tương tác với nạn nhân trên mạng xã hội Facebook hoặc đăng thông tin cá nhân nạn nhân lên các trang web đen...
Kiểu đánh bao vây như thế rất dễ làm cho những người “yếu bóng vía” sập bẫy. Ngay cả những người nắm rõ và có ý thức cảnh giác với chiêu trò này khi bị tấn công dồn dập, họ cũng sẽ rất dễ hoang mang và bị mất phương hướng. Một sự hoài nghi, lo lắng lan tỏa khi họ không biết chắc rằng người thân của mình có thật sự mắc nợ hay không, nếu là con cái hay bố mẹ của mình là con nợ thật mà mình không trả giúp thì liệu người thân của mình có bị xã hội đen hành hung hay không?
Không ít người vì suy nghĩ như thế mà liên hệ lại với kẻ khủng bố để thương lượng, thế là sập bẫy.
Để đối phó, nhiều người báo tin nhắn rác đến nhà mạng hoặc chặn cuộc gọi thì kẻ "khủng bố" lại tiếp tục dùng số điện thoại khác để thực hiện ý đồ.
Bằng hình thức khủng bố này, người dân vô cùng lo lắng vì không biết những thông tin cá nhân của mình đã bị lộ từ đâu, tại sao lại rơi vào tay những người này? Trong khi với sự phát triển của thương mại điện tử, của các phương tiện công nghệ thông tin, số điện thoại, địa chỉ, hình ảnh chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế… cá nhân không thể không cung cấp cho các nơi liên quan nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày.
Rõ ràng trong “cuộc chiến” này người dân không thể nào đơn độc tác chiến. Rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp xử lý mạnh mẽ và triệt để với loại hành vi tấn công người khác kiểu thách thức pháp luật như vầy.

Nỗi kinh hoàng khi không vay tiền mà bị khủng bố đòi nợ. Ảnh: TL
Trong khi chờ đợi cơ quan hữu quan vào cuộc một cách tích cực, triệt để và có hiệu quả thì trước hết mỗi người dân cần có ý thức cảnh giác và các biện pháp tạm thời đối phó với tình trạng này.
Không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào và chặn số điện thoại khủng bố là việc đầu tiên cần làm ngay. Nếu vẫn bị tiếp tục khủng bố, nạn nhân có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng. Nếu tình trạng kéo dài và mức độ nghiêm trọng, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú.