Bến Tre: Phát triển kinh tế trên tinh thần tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển
(DNTO) - Cuộc hội thảo khoa học “Phát huy tinh thần tiên phong mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông” vào ngày 31/10 tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã ôn lại truyền thống hào hùng và đánh giá về tiềm năng, vị thế, phát triển kinh tế biển về hướng Đông của địa phương này.
Chuyến tàu không số: Tiên phong mở bến, mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, cách nay 75 năm, trong kháng chiến chống Pháp, từ vùng ven biển xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, đầu năm 1946, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ Khu 8 ra miền Bắc gồm các ông Đoàn Văn Trường - Tư lệnh Khu 8, bà Nguyễn Thị Định, ông Ca Văn Thỉnh và ông Trần Hữu Nghiệp để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho miền Nam.
Đến giữa năm 1946, theo lệnh của Trung ương, bà Nguyễn Thị Định với tư cách là Thuyền trưởng chỉ huy con tàu không số đã vượt trùng dương từ Phú Yên mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về đến Bến Tre, khoảng giữa tháng 12/1946, giao cho Khu 8.
Tuy chưa có những tư liệu lịch sử khẳng định chính chuyến vượt biển đó góp phần hình thành cơ sở cho Trung ương đề ra chủ trương về mở đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng thực tế đã có chuyến chở vũ khí đầu tiên từ Bắc vào Nam về đến bến Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre.
Chuyến đi này đã mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí của Trung ương từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam là một thực tế lịch sử. Đó là một sự kiện đáng tự hào, thể hiện tinh thần tiên phong, sáng tạo mở đường, mở bến để đưa vũ khí từ Bắc vào Nam của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều bến ở các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa, Phú Yên,… nhưng bến Bến Tre là một đặc thù riêng, là vị trí chủ yếu đứng chân của Ban Chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa.
Nơi đây không chỉ tiếp nhận hàng từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vào, mà còn làm nhiệm vụ trung chuyển hàng từ Cà Mau và Trà Vinh đưa lên cho Khu 7, miền Đông, qua tuyến Cà Mau - Trà Vinh, Trà Vinh - Bến Tre, Bến Tre - Cần Giờ.
Cho nên bến Bến Tre ngoài tiếp nhận gần 3.000 tấn vũ khí qua đường Hồ Chí Minh trên biển còn tiếp nhận, trung chuyển an toàn trên 2.000 tấn vũ khí, đạn dược từ các bến Cà Mau, Trà Vinh vào Nam Sài Gòn lên các căn cứ miền Đông, phục vụ kịp thời cho các chiến trường, những trận đánh lớn, như trận Ấp Bắc (Tiền Giang) tháng 1/1963, trận Núi Thành (tháng 5/1965), Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của tỉnh, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khẳng định: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường chi viện vũ khí góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước".
Hướng ra biển lớn, phát triển tiềm năng kinh tế
Tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến con đường Hồ Chí Minh trên biển, Bến Tre đã xoay trục, mở rộng tầm nhìn, không gian phát triển ra biển lớn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, an toàn, an ninh biên giới biển, bảo vệ vùng biển, vùng trời, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tạo động lực vững bước tiến lên, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương Bến Tre thêm giàu đẹp.
Là một trong 28 tỉnh có biển của Việt Nam, Bến Tre có chiều dài bờ biển trên 65km, vì vậy định hướng tập trung phát triển kinh tế biển (phát triển về hướng Đông) của tỉnh có ý nghĩa quan trọng. Kinh tế biển Bến Tre những năm gần đây đã có những bước phát triển tích cực.
Mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2030 là hoàn thành đầu tư tuyến giao thông động lực ven biển khu vực tỉnh Bến Tre kết nối thông suốt liên tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh. Hoàn thiện đầu tư cơ bản phần lớn hạng mục trong hành lang kinh tế biển tỉnh Bến Tre như đường ven biển, hệ thống hạ tầng logistics, khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch lấn biển; khởi động xây dựng cảng nước sâu; triển khai xây dựng khu kinh tế biển. Hình thành trung tâm năng lượng sạch tỉnh Bến Tre, hoàn thành đầu tư các dự án điện ngoài khơi (điện gió, điện khí,…), đưa vào vận hành ít nhất 3.000MW.
Thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp đạt 70% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp các huyện biển chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; tỷ lệ đô thị hóa khu vực 3 huyện biển đạt 48% trở lên… GRDP bình quân đầu người khu vực biển gấp 1,5 lần bình quân của tỉnh. Phấn đấu đưa Bến Tre trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong nhóm khá các tỉnh ven biển của Việt Nam.
Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65 km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển; với ba dải cù lao bao bọc bởi 4 con sông lớn đổ ra biển Đông là: sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên đã hình thành nên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn, cùng với khí hậu ôn hòa, tính đa dạng sinh học, đặc biệt là sự phong phú của nguồn lợi thủy sản.
Những đặc điểm đó đã tạo điều kiện cho Bến Tre có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với hai thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển. Nhờ có lợi thế bờ biển dài và vùng biển đặc quyền kinh tế, tỉnh Bến Tre thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: Nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển,... Đặc biệt là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.
Với 32 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 962 và các cựu chiến binh “Đoàn tàu không số”, hội thảo nhấn mạnh đến chặng đường 14 năm kể từ chuyến đi đầu tiên đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất nước nhà, khởi đầu là Đoàn 759, tiếp sau là Lữ đoàn 125 Hải quân đã vận chuyển 1.879 chuyến tàu vào bến Khu 5, Khu 8 và Khu 9, được 152.876 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hoá cùng 80.026 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho quân, dân miền Nam đánh Mỹ.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thực hiện chỉ lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa” của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phải vận chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và lực lượng cán bộ, chiến sĩ vào miền Tây Nam bộ, kịp thời hiệp đồng tác chiến với các cánh quân đường bộ, Lữ đoàn 125 Hải quân đã thực hiện thành công 130 lượt với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng, gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn; đưa 19 ngàn cán bộ, chiến sĩ vượt trên 66 ngàn hải lý để kịp thời tăng cường lực lượng và hỏa lực cho chiến trường miền Nam, trực tiếp đưa tàu chiến đấu ra giải phóng, tiếp quản quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam; đưa hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Côn Đảo trở về.